Với chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc. Trong đó, nhiều dự án đang hoạt động đã thực hiện điều chỉnh tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó, khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau gần 4 năm đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, đầu năm 2022, Công ty TNHH Kanefusa Manufacturing Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Hiện, doanh nghiệp này đang hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng để nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án DDI và 21 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký điều chỉnh lần lượt là trên 1.400 tỷ đồng và 98,65 triệu USD. Cùng với đó, thực hiện cấp mới 16 dự án, trong đó có 9 dự án FDI và 7 dự án DDI. Điều này cho thấy, dù gặp nhiều tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, song các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như tăng vốn đầu tư.
Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án ngành công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano; các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng…
Dự kiến 6 tháng cuối năm, các khu công nghiệp của tỉnh sẽ thu hút thêm 810 dự án FDI mới, vốn đăng ký đạt khoảng 80100 triệu USD và 35 dự án DDI với vốn đăng ký đạt 200-300 tỷ đồng; có thêm khoảng 68 dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phương Liên