Khoai tây là thực phẩm giàu tinh bột nhưng người bệnh đái tháo đường có thể bổ sung vào chế độ ăn bằng cách hấp, luộc hoặc kết hợp với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để cân bằng.
1. Kết hợp khoai tây với những thực phẩm có GI thấp
Trong khoai tây chiếm phần lớn là nước, ngoài ra các thành phần chủ yếu của khoai tây bao gồm carbs, protein và một lượng chất xơ vừa phải, đặc biệt khoai tây hầu như không có chất béo.
Khoai tây thuộc loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Một cốc khoai tây có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu giống như khi uống một lon nước ngọt. Tuy nhiên, chỉ số đường huyết của khoai tây thay đổi tùy thuộc vào cách chế biến.
Theo đó, chỉ số GI của khoai tây nướng là 111, khoai tây luộc là 82, khoai tây nghiền ăn liền là 87 và khoai tây chiên là 73.
Dù vậy, những người chọn hạn chế thực phẩm có hàm lượng đường cao như người bệnh đái tháo đường vẫn có thể đưa khoai tây vào trong thực đơn của mình bằng cách kết hợp khoai tây với thực phẩm có GI thấp. Đó là ăn khoai tây cùng với thực phẩm có GI thấp cung cấp chất xơ (các loại rau không chứa tinh bột như bông cải xanh, súp lơ trắng, cà rốt, cà chua, rau bina và các loại rau lá xanh khác), protein nạc và chất béo lành mạnh để cân bằng lợi ích dinh dưỡng của bữa ăn. Ăn thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp lượng đường trong máu vừa phải và tăng cảm giác no.
Khẩu phần cho người bệnh đái tháo đường nên ăn là ½ đĩa rau không chứa tinh bột, các lựa chọn giàu tinh bột và protein nạc chỉ nên chiếm 1/4 đĩa.
Ăn khoai tây cả vỏ cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể.
2. Chế biến đúng cách
Vấn đề thứ hai ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết của người bệnh đái tháo đường cần xem xét khi chọn món ăn giàu tinh bột là phương pháp nấu ăn. Khoai tây chiên ngập dầu (mỡ động vật, chất béo khác) làm tăng hàm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt là ở người bệnh đái tháo đường, người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Cách chế biến đáp ứng tốt nhất là luộc, hấp, salad (với mayonnaise ít chất béo và không thêm đường) hoặc nướng trong lò vi sóng nhưng không thêm các nguyên liệu khác. Khoai tây luộc và hấp đều giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ nhưng lại rất ít chất béo, đường và muối.
Theo BSCKI Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh), khoai tây chứa rất ít chất béo, không có cholesterol, không transfat, không chất béo bão hòa, khoáng natri rất thấp nên khi sử dụng đúng cách khoai tây an toàn cho bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận…
Các phương pháp nấu ăn có thể ảnh hưởng đến GI và cả hàm lượng dinh dưỡng của khoai tây. Ví dụ, khoai tây nguyên củ có GI thấp hơn khoai tây nghiền hoặc cắt hạt lựu. Để khoai tây nguội sẽ làm tăng lượng tinh bột kháng, từ đó giảm chỉ số đường huyết (GI) xuống 25-28%. Vì vậy, salad khoai tây là gợi ý lý tưởng để thay thế khoai tây nướng, khoai tây chiên nóng.
Ăn khoai tây có vỏ có thể cung cấp thêm chất xơ, lên đến 50% so với gọt vỏ. Các hợp chất phenolic chứa trong vỏ của loại củ này có đặc tính chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Khoai tây Carisma (một loại khoai tây trắng) có GI thấp hơn. Ngoài ra, khoai lang cũng là thực phẩm chứa tinh bột khác tốt cho người bệnh tiểu đường vì có chỉ số GI thấp, cung cấp canxi, vitamin A và chứa nhiều chất xơ hơn khoai tây trắng thông thường.
3. Người bệnh đái tháo đường nên ăn bao nhiêu khoai tây mỗi ngày
Salad khoai tây tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Thông thường, người bệnh đái tháo đường chỉ được bổ sung 100-150g carbs mỗi ngày (nếu đường huyết tăng vừa) và 20-50g carbs (nếu đường huyết tăng mạnh). Trong khi đó, một củ khoai tây nhỏ (170g) chứa khoảng 30g carbs và một củ khoai tây lớn (369g) chứa tới 65g carbs. Vì vậy, cần hạn chế lượng khoai tây và chọn cách chế biến phù hợp để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Cụ thể:
Với người bệnh cần kiểm soát lượng đường huyết mức vừa phải, mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng khoảng 3-5 củ nhỏ hoặc 2-3 củ lớn.
Với người bệnh cần kiểm soát lượng đường huyết mức cao, lượng khoai tây nên ăn mỗi ngày là 1 củ nhỏ, không sử dụng củ có kích thước lớn.
Đó là khi người bệnh chỉ sử dụng duy nhất một thực phẩm giàu carbs là khoai tây. Còn nếu bổ sung thêm các thực phẩm giàu carbs khác thì cần loại bỏ bớt lượng khoai tây trong khẩu phần ăn. Ví dụ: Khi đã bổ sung thêm 1 khẩu phần bánh mì trắng/1 bát cơm hay 1 quả táo thì cần giảm 1 củ khoai tây trong thực đơn.
Theo Vân Khánh/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-dai-thao-duong-an-khoai-tay-the-nao-de-khong-lam-duong-huyet-tang-vot-169220711185846771.htm