Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây cũng là yếu tố chính khiến nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh tăng cao, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất. Trong 6 tháng đầu năm, kết quả huy động vốn trên địa bàn tăng trưởng tốt ở cả 3 nguồn: Tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 10,22%, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,64% và phát hành giấy tờ có giá tăng 21,74% so với cuối năm 2021. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh tăng 10,74%, tương đương tăng gần 11 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021 và tăng 17,76% so với cùng kỳ tháng 6/2021. Cơ cấu tín dụng cũng tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, chiếm tỷ lệ 86,2 % tổng dư nợ. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát, hạn chế phát sinh nợ xấu mới, nợ xấu giảm 0,49% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,72% trên tổng dư nợ./.
Hải Đăng