Mùa hè nắng nóng là nỗi lo ngại với nhiều gia đình có con nhỏ và người cao tuổi. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường khiến cơ thể bị mất nước và suy kiệt.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, trong thời điểm nắng nóng hiện nay, hầu như các gia đình đều có điều hòa nhiệt độ. Với trẻ nhỏ, để phòng các bệnh nhiễm trùng, cha mẹ nên chỉnh điều hòa ở nhiệt độ vừa phải.
Bảo vệ trẻ trong mùa nắng nóng.
“Trước khi cho trẻ ra khỏi phòng điều hòa, chúng ta nên mở cửa để có sự giao thoa không khí trong phòng đang lạnh với không khí bên ngoài. Điều này tốt cho cả người lớn và đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ. Bởi vì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến dịch tiết đường hô hấp. Theo đó, ban đầu có thể gây viêm mũi, viêm họng. Khi có triệu chứng viêm mũi, viêm họng, trẻ có thể bị tổn thương niêm mạc đường hô hấp và từ đó virus, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh khác”. TS.BS Đỗ Thiện Hải nói.
Các bác sĩ lưu ý những bệnh nguy hiểm trẻ thường gặp trong ngày nắng nóng do một số siêu vi có thể gây ra như cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… hay trẻ có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… do muỗi đốt. Do vậy, các gia đình phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vaccine, đảm bảo môi trường sống thông thoáng và diệt muỗi, bọ gậy hiệu quả…
“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, BS Hải lưu ý.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư.
Cũng trong điều kiện thời tiết nắng nóng từ 37-39 độ C như những ngày qua, các bác sĩ cũng khuyến cáo người cao tuổi lưu ý bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, viêm phế quản, viêm xoang, viêm họng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người cao tuổi không ăn, không ngủ được dẫn đến suy nhược cơ thể. Tại BV Lão khoa T.Ư, số bệnh nhân nhập viện trong những ngày nắng nóng này tăng lên hơn 30% và nhiều nhất là người trên 75 tuổi.
“Bệnh nhân đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, sút cân và mất ngủ. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện người bệnh có những triệu chứng như nhịp tim nhanh, huyết áp dao động có người thấp, có người cao. cơ thể người 70% là nước, do đó, nắng nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể. Bệnh nhân sẽ bị mất nước do thở dốc, ra nhiều mồ hôi, nhưng bệnh nhân lại không ý thức được là phải uống bổ sung nhiều nước, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh, huyết áp lên, thiếu oxy…”, BS Đỗ Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa T.Ư cho biết.
Theo các bác sĩ, với người cao tuổi, tình trạng ngột ngạt, khó thở, ăn kém, nóng không ngủ được sẽ khiến sụt cân nhanh. Bên cạnh đó, với một số bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh nhân uống thuốc nhưng lại ăn kém dẫn đến tụt đường huyết. Nhiều bệnh khác phải điều chỉnh rối loạn cơ thể bằng thuốc, nhưng người bệnh quên uống thuốc nên phải nhập viện.
“Có bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, nếu uống đều thì người bệnh vẫn đi lại được, chỉ run nhẹ tay chân. Nhưng khi nắng nóng quá, người bệnh không ăn được và bỏ thuốc khiến người cứng đơ, dẫn đến viêm phổi và phải nhập viện. Nhiều người cao tuổi bị quên, lẫn, hay nằm một chỗ, ít vận động khiến các bệnh mạn tính gia tăng”, BS Huyền nói.
Tại BV Lão khoa T.Ư, số bệnh nhân nhập viện trong những ngày nắng nóng này tăng lên hơn 30% và nhiều nhất là người trên 75 tuổi.
Đối với người cao tuổi nằm lâu trong điều hoà phải lưu ý không để nhiệt độ quá thấp, nên để từ 27-29 độ C và để quạt nhẹ để thông gió. Mức nhiệt độ 22-24 độ C có thể khiến người cao tuổi bị viêm phổi.
“Người cao tuổi không nên nằm lâu trong điều hoà. Chỉ nên bật điều hoà trong thời điểm nắng nóng nhất từ 10-16h. Ngoài khoảng thời gian này thì người cao tuổi nên tắt điều hoà, để hé cửa phòng, bật quạt nhẹ và nên vận động để tránh nguy cơ gia tăng các bệnh về xương khớp, bệnh suy tĩnh mạch…”, BS Huyền khuyến cáo.
Các bác sĩ lưu ý người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ra ngoài trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài nên mặc quần áo mỏng, mát, áo chống nắng, đeo kính chống nắng, khẩu trang và mũ rộng vành. Đặc biệt, luôn luôn uống nước đầy đủ.
Chế độ ăn cũng cần lưu ý hạn chế đồ chiên rán, giảm muối, ăn tăng nhiều hoa quả./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/canh-bao-benh-mua-nang-nong-voi-tre-nho-va-nguoi-cao-tuoi-post957711.vov