Sự kiện Gạc Ma vào rạng sáng 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ quên trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, nhưng những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam chưa một ngày ngơi nghỉ. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định đặt lên vai người chiến sĩ Hải quân trách nhiệm lớn lao trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân.
Sự hy sinh của những người con ưu tú quên mình, ngã xuống vì Tổ quốc được thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ với lòng thành kính. Những người lính tiếp bước cha anh luôn phấn đấu, luyện rèn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc từng “tấc đảo, sải biển” của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ
Trong không gian bao la của biển cả, tiếng chuông từ chùa Sinh Tồn ngân vang cùng mùi hương trầm mặc, hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió của biển khơi. Tất cả trùng xuống, với lòng thành kính, biết ơn vô hạn, quân và dân đảo Sinh Tồn thắp hương tưởng niệm những người lính Hải quân quả cảm mãi mãi nằm lại biển sâu – phía chân trời…
Đứng trước bia phương danh 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vùng biển Gạc Ma, chị Lữ Thị Kim Cúc (người dân xã đảo Sinh Tồn) rất xúc động, tự hào về các anh. Chị mong mọi người ở đảo mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà để cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, bà con yên tâm sinh sống ở đảo xa.
Trung tá Đinh Cao Toan, cán bộ đảo Sinh Tồn cho biết, lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, để quân dân trên đảo hiểu hơn về những chiến công và sự hy sinh của thế hệ đi trước, bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giữ gìn biển đảo. Từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo ra sức thi đua, tiếp bước các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Quân dân thị trấn Trường Sa tại Lễ tri ân các liệt hy sinh tại vùng biển Gạc Ma
Theo trụ trì chùa Sinh Tồn Thích Tâm Thành, những ngày tháng 7, chùa Sinh Tồn – nơi đặt tấm bia phương danh 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ đảo Gạc Ma có rất đông cán bộ chiến sĩ, người dân thị trấn Trường Sa và ngư dân khai thác hải sản quanh đảo đến thắp hương, khấn vọng hương linh của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ưu tú đã ngã xuống với lòng thành kính và tri ân sâu sắc.
Chùa cũng đã tổ chức cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Lễ vật dâng lên là những sản vật như hoa, trái cây được quân dân trên đảo tăng gia sản xuất. Hoạt động này thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
"Tại lễ dâng hương, cầu siêu, tôi luôn có tâm nguyện, nguyện cầu mười phương chư Phật và những liệt sĩ hy sinh ở biển đảo Trường Sa phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ, bà con nơi đây có cuộc sống an vui; bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, có nhiều sức khỏe để bảo vệ biển đảo Trường Sa được bình an và may mắn" - trụ trì chùa chia sẻ.
Người dân xã đảo Sinh Tồn tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Sự kiện Gạc Ma vào rạng sáng 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt. 64 người lính Hải quân đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã nằm lại biển khơi, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tinh thần ấy đã thấm sâu vào mỗi người lính đang thực hiện nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa hôm nay.
Quân dân xã đảo Sinh Tồn tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Trung sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, chiến sĩ đảo Cô Lin cho biết, là thế hệ sau, anh cảm thấy vô cùng tự hào về những chiến công vẻ vang của lớp lớp cha anh đã hun đúc nên truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta. Vinh dự được đóng quân trên Quần đảo Trường Sa, nơi cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm khắc phục khó khăn vất vả bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, anh luôn luôn tích cực học tập, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở môi trường biển đảo khắc nghiệt.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính uỷ Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), Vùng 4 Hải quân khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa trọn vẹn, yên bình là sứ mệnh của người lính Trường Sa thời bình nhưng cũng không kém phần gian khổ, thầm lặng, hi sinh. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay luôn luôn khắc ghi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường; mẫu mực về đoàn kết quân dân, giữ trọn Trường Sa, chủ quyền của Tổ quốc.
Để có một đất nước tự do, độc lập, hòa bình như hôm nay, biết bao máu xương của cha ông đã đổ xuống. Thế hệ sau lại tiếp nối truyền thống cha ông, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ từng tấc đảo, sải biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió./.
Theo Thu Lan – Nguyễn Ninh/VOV1
https://vov.vn/chinh-tri/quan-va-dan-truong-sa-khong-bao-gio-quen-nhung-liet-si-gac-ma-post959240.vov