Thịt đỏ chứa các chất dinh dưỡng quan trọng có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, ăn nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư. Do vậy, nếu bạn là người thích ăn nhiều thịt, nhất là thịt đỏ cần phải biết những nguy cơ của nó với sức khoẻ.
1. Thịt đỏ chứa chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ
Các chuyên gia thường phân loại thịt đỏ là thịt cơ từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, dê hoặc các động vật có vú trên cạn khác.
Thịt đỏ chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như: sắt, vitamin B-12 và kẽm. Cơ thể con người cần những chất dinh dưỡng này để sản xuất các tế bào hồng cầu mới.
Thịt đỏ cũng chứa nhiều protein, chất cần thiết cho việc xây dựng cơ bắp, xương, các mô khác và các enzym.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một khẩu phần thịt bò xay chưa nấu chín 100g chứa:
Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt heme tốt. Sắt heme chỉ có trong thịt, gia cầm và hải sản. Sắt heme được cơ thể hấp thu dễ hơn, tốt cho những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt bao gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có kinh nguyệt nhiều…
Thịt đỏ chứa chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
2. Những nguy cơ khi bạn ăn quá nhiều thịt đỏ
Dinh dưỡng trong thịt đỏ có lợi. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt đỏ lại không tốt và gây nhiều nguy cơ với sức khoẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên với một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư, các vấn đề về thận và tiêu hoá…
Thịt đỏ chưa qua chế biến nhiều nạc như thịt thăn hoặc thăn lợn có thể tốt cho sức khỏe hơn các loại khác. Điều này là do chúng chưa qua chế biến và không chứa dư thừa muối, chất béo hoặc chất bảo quản.
Các loại thịt đỏ đã qua chế biến như: thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích… dường như có nguy cơ cao nhất về các vấn đề sức khỏe.
Theo TS. Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mức tiêu thụ cân đối và hợp lý các loại thực phẩm nói chung và đặc biệt là thịt đỏ nói riêng là chìa khóa để duy trì và nâng cao sức khỏe. Ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau.
2.1. Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Thịt đỏ nói chung có nhiều chất béo bão hòa hơn các nguồn protein khác như thịt gà, cá hoặc các loại đậu. Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và bệnh tim là do chất béo bão hòa có trong thịt đỏ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ăn nhiều chất béo bão hòa và bất kỳ lượng chất béo chuyển hóa nào có thể làm tăng mức cholesterol của một người và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, họ khuyến cáo nên hạn chế lượng thịt đỏ và khuyến khích mọi người chọn những phần thịt nạc.
Ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng mức cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
2.2. Ăn nhiều thịt đỏ dễ gây ung thư
Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng hơn. Nguy cơ ung thư tuyến tụy và tuyền tiền liệt cũng cao hơn ở những người ăn thịt đỏ. Và những người ăn nhiều thịt chế biến sẵn hơn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Các phương pháp chế biến và bảo quản thịt như xử lý và hun khói có thể tạo ra hóa chất gây ung thư. Đây có thể là lý do tại sao các nhà nghiên cứu cho rằng thịt đã qua chế biến có nguy cơ sức khỏe lớn hơn thịt chưa qua chế biến.
Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Đây là căn bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, người thừa cân, béo phì, ăn nhiều thịt đỏ, thịt qua bảo quản chế biến…
Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn dễ gây ung thư.
3. Ăn thịt đỏ thế nào để an toàn?
Theo TS. Tuấn Thị Mai Phương, mặc dù mức độ tiêu thụ thịt đỏ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thói quen văn hóa ẩm thực, khu vực, tính sẵn có của thực phẩm theo vị trí địa lý tự nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp và chăn nuôi của mỗi quốc gia. Nhưng để đảm bảo tất cả mọi người dân có sức khỏe tốt, thì cần có kiến thức và thực hành tiêu thụ thịt đỏ ở mức hợp lý.
Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần. Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350- 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.
Theo Kim Ngân/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/neu-ban-thich-an-thit-do-can-phai-biet-2-ly-do-sau-day-de-khong-an-qua-nhieu-169220810191348848.htm