Cập nhật: 22/08/2022 09:14:00
Xem cỡ chữ

20 năm là một chặng đường đủ dài để khẳng định ý nghĩa nhân văn, giá trị thiết thực và sự lan tỏa từ Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nghị định 78 của Chính phủ cũng gắn liền với sự ra đời của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội - một ngân hàng “đặc biệt” riêng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà không vì mục đích lợi nhuận. Hoạt động tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn Vĩnh Phúc đã trở thành công cụ hữu hiệu và có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh và tạo ra công bằng xã hội.

Những ngày đầu thành lập, tổng nguồn vốn, dư nợ hoạt động của ngân hàng là trên 125 tỷ đồng, sau 20 năm tổng nguồn vốn đạt trên 3.500 tỷ đồng, gấp 28,33 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,2%. Tính đến hết tháng 7, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc là trên 3.500 tỷ đồng với trên 78.140 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,44% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện tại chi nhánh. Phải khẳng định rằng tín dụng chính sách xã hội và sự phát triển của NHCSXH trong 20 năm qua gắn liền với kết quả về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 20 năm qua đã tạo những dấu ấn quan trọng trên con đường đồng hành với người khó khăn và các đối tượng chính sách.

Rất nhiều hộ gia đình khó khăn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số giống như gia đình chị Tạ Thị Năng ở xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã được vay vốn để phát triển kinh tế, chị đã dùng số tiền này để mua bò, lợi nhuận từ nguồn chăn nuôi, chị Năng đã phát triển thêm vườn cây ăn quả, có thêm nguồn thu, kinh tế gia đình nhờ đó được ổn định.

Mỗi gia đình lại có hoàn cảnh khác nhau, vì nhiều nguyên nhân mà cái nghèo cứ đeo bám, để tự bản thân họ bươn chải thì khó khăn thêm chồng chất, nguồn vốn tín dụng chính sách là cứu cánh cho những gia đình nghèo có lực để vươn lên, có điều kiện làm kinh tế và ước mong một thế hệ con cháu của họ thoát khỏi cảnh nghèo đeo bám.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; vốn vay học sinh sinh viên; cho vay nước sạch; giải quyết việc làm.... đây là những gói tín dụng thiết thực đối với cuộc sống người dân, giúp họ có điều kiện nâng cao đời sống vật chất. 20 năm, cũng là hành trình khẳng định sự nỗ lực xuyên suốt, tâm huyết của các thế hệ cán bộ làm tín dụng chính sách, sát sao với người nghèo là công việc không phải ai cũng thích, không phải ai cũng có thể gắn bó, nhưng những cán bộ của ngân hàng chính sách xã hội luôn “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Họ luôn là người kiên nhẫn lắng nghe, kiên trì giải thích để người dân hiểu chính sách và để nguồn vốn được giải ngân một cách có hiệu quả./.

Thuỳ Linh