Vào lúc 7 giờ 33 phút tối nay (giờ Việt Nam), siêu tên lửa “Hệ thống phóng không gian” (SLS) của NASA sẽ rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Mũi Canaveral thuộc bang Florida, mang theo tàu vũ trụ Orion không có phi hành đoàn thực hiện chuyến bay quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất trong vòng 6 tuần.
Siêu tên lửa “Hệ thống phóng không gian” (SLS) đặt tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ, sẵn sàng cho sứ mệnh Artemis-1 đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng. (Ảnh: Reuters)
Vụ phóng này sẽ là bài thử nghiệm nghiêm ngặt trên thực tế đối với SLS trước khi siêu tên lửa này được đánh giá là sẵn sàng đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng, đồng thời đánh dấu sứ mệnh đầu tiên (Artemis-1) trong chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng sau gần 5 thập kỷ.
Với chiều cao 98m, SLS được coi là hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất mà NASA phát triển kể từ sau tên lửa đẩy Saturn V – được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.
Sau nhiều tuần chuẩn bị và thử nghiệm trên mặt đất, siêu tên lửa thế hệ mới SLS đã được di chuyển đến tổ hợp bệ phóng 39B vào đầu tháng 8. Tuần trước, các quan chức của NASA chính thức hoàn tất mọi khâu đánh giá, rà soát và tuyên bố toàn bộ hệ thống đã sẵn sàng cho vụ phóng.
NASA cũng đưa ra hai thời điểm phóng dự phòng là vào ngày 2/9 hoặc 5/9 nếu vụ phóng tối nay bị buộc phải hoãn lại vì thời tiết xấu hay xảy ra vấn đề kỹ thuật vào phút chót.
Trong trường hợp hoạt động phóng diễn ra theo đúng kế hoạch, 4 động cơ R-25 chính và 2 tên lửa đẩy của SLS sẽ khai hỏa, tạo ra lực đẩy 8,8 triệu pound – mạnh hơn khoảng 15% so với lực đẩy được tạo ra bởi hệ thống tên lửa Saturn V, đưa tên lửa SLS bay vào vũ trụ.
Khoảng 90 phút sau khi phóng, tầng trên của tên lửa sẽ đẩy phi thuyền Orion ra khỏi quỹ đạo Trái Đất để bắt đầu hành trình kéo dài 42 ngày, bay đến vị trí cách bề mặt Mặt Trăng 60 dặm, sau đó di chuyển 40 nghìn dặm (64.374km) trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất. Tàu Orion dự kiến sẽ rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 10/10.
Mặc dù không có con người trên tàu, Orion sẽ mang theo một phi hành đoàn mô phỏng gồm 3 ma-nơ-canh (1 nam và 2 nữ) - được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những căng thẳng khác mà các phi hành gia sẽ phải trải qua trên thực tế.
Mục tiêu chính của sứ mệnh Artemis-1 là kiểm tra độ bền lá chắn nhiệt của tàu Orion trong quá trình quay trở lại từ quỹ đạo Mặt Trăng, khi nó thâm nhập bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ 24.500 dặm (39.429km) mỗi giờ - nhanh gấp 32 lần tốc độ âm thanh, khiến lực ma sát có thể tăng nhiệt độ bên ngoài thân tàu lên gần 5.000 độ F (khoảng 2.760 độ C).
Trở lại Mặt Trăng
Chương trình Artemis của NASA - được đặt theo tên nữ thần là chị em sinh đôi của Apollo trong thần thoại Hy Lạp cổ đại - nhằm đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2025, như một bước đệm cho những chuyến đi đầy tham vọng hơn trong tương lai nhằm đưa con người lên sao Hỏa.
Sau hơn một thập kỷ phát triển với nhiều năm trì hoãn và ngân sách vượt dự kiến hàng tỷ USD, cho đến nay hệ thống SLS-Orion (gồm tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion) đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỷ USD, bao gồm việc thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và các cơ sở trên mặt đất.
Giám đốc NASA Bill Nelson đã ví chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis là “một động lực kinh tế”, đồng thời lưu ý rằng chỉ riêng trong năm 2019, chương trình này đã giúp gặt hái 14 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và tạo việc làm cho 70 nghìn người tại Mỹ.
Những bên thụ hưởng tài chính lớn nhất từ chương trình lần lượt là các nhà thầu chế tạo SLS và phi thuyền Orion – Tập đoàn Boeing và Lockheed Martin.
Mười hai phi hành gia đã đi bộ trên Mặt Trăng trong 6 chuyến bay có phi hành đoàn thuộc chương trình Apollo được thực hiện trong giai đoạn 1969-1972.
Nếu thành công, sứ mệnh Artemis-1 sẽ mở đường cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của SLS-Orion (hay còn gọi là sứ mệnh Artemis-2), đưa các phi hành gia bay quanh Mặt Trăng nhưng không đáp xuống bề mặt - dự kiến được thực hiện vào năm 2024.
Sứ mệnh Artemis-3 – dự kiến sớm nhất vào năm 2025 – sẽ chứng kiến các phi hành gia hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng, với mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài ở đó.
Sứ mệnh này sẽ có mức độ phức tạp lớn hơn rất nhiều khi hệ thống SLS-Orion được tích hợp với một loạt hệ thống được chế tạo và điều hành bởi công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, bao gồm hệ thống phóng Starship và phương tiện đổ bộ Mặt Trăng, hiện vẫn đang trong quá trình phát triển.
Theo VĂN TOẢN/ nhandan.vn
https://nhandan.vn/toi-nay-nasa-phong-sieu-ten-lua-dua-tau-orion-len-quy-dao-mat-trang-post712732.html