Vòi trứng là bộ phận sinh sản quan trọng của người phụ nữ, bên cạnh tử cung và buồng trứng. Trong trường hợp bị tắc vòi trứng, chị em khó có cơ hội mang thai, thậm chí là vô sinh.
Nguy cơ gặp phải khi tắc vòi trứng
Hiếm muộn, vô sinh
Theo BSCKII Phạm Thuý Nga – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, vòi trứng (vòi tử cung) là bộ phận sinh sản quan trọng của người phụ nữ bên cạnh buồng trứng và tử cung. Vòi trứng nối thông từ buồng tử cung đến buồng trứng, đây là con đường tinh trùng bơi lên để thụ tinh với trứng.
Phần cuối vòi trứng có loa vòi trứng, được cấu tạo như những cánh tay giúp bắt lấy trứng khi có "sự rụng trứng", trứng này sẽ được di chuyển trong lòng vòi trứng đến vị trí thích hợp, và khi gặp được tinh trùng trong lòng vòi trứng, sự thụ tinh có thể xảy ra.
Trong trường hợp vì lý do nào đó khiến ống dẫn trứng bị tắc khiến trứng và tinh trùng không đến được với nhau thì sẽ rất khó để mang thai, thậm chí là vô sinh.
Tắc vòi trứng gây hiếm muộn ở phụ nữ.
Thai ngoài tử cung
Tắc vòi trứng chiếm từ 25-30% các trường hợp gây hiếm muộn vô sinh ở phụ nữ. Một nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng khi phụ nữ bị tắc vòi trứng có quan hệ tình dục sẽ khiến trứng và tinh trùng không được gặp nhau để thụ thai dẫn đến phôi làm tổ ngay tại vòi trứng, gây ra tình trạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.
Đây là trường hợp nguy hiểm nhất trong các trường hợp mang thai ngoài tử cung do vị trí nối giữa vòi trứng và tử cung rất khó chẩn đoán được từ sớm, khi khối thai vỡ sẽ khiến mất máu nhanh, nhiều và dẫn tới nguy cơ tử vong cao ở sản phụ.
Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
Cũng theo BSCKII Phạm Thuý Nga, tắc vòi trứng có nhiều nguyên nhân gồm:
- Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung có thể xuất hiện trong vòi trứng gây tắc nghẽn vòi trứng.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): Bệnh này hình thành mô sẹo ở cả trong và ngoài ống dẫn trứng, hoặc gây ứ dịch buồng trứng (Hydrosalpinx) tạo thành các vật cản, cản trở quá trình vận chuyển trứng thụ tinh đến tử cung.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bệnh lậu và Chlamydia là hai bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có thể gây vô sinh. Cả hai vi khuẩn trên đều có thể gây nhiễm ở niệu đạo, viêm cổ tử cung, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tổn thương và hình thành sẹo ở vòi trứng.
- U xơ tử cung: Những u xơ to có thể chèn vào vòi trứng gây ra tắc nghẽn vòi trứng
- Tiền sử chửa ngoài tử cung, tiền sử phẫu thuật ổ bụng - tiểu khung.
- Nạo phá thai nhiều lần: Việc nạo phá thai nhiều lần, phá thai không an toàn, sau nạo phá thai không biết cách chăm sóc vùng kín sẽ khiến cơ thể bị viêm nhiễm phụ khoa và viêm tắc vòi trứng.
- Dị tật bẩm sinh: Nhiều phụ nữ bị thiếu một phần hay toàn bộ vòi trứng hoặc tắc vòi trứng ngay từ khi mới sinh ra khiến quá trình tinh trùng và trứng gặp nhau trở nên khó khăn gây tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ.
Khi bị tắc vòi trứng, bạn vẫn có cơ hội làm mẹ sau khi điều trị can thiệp tắc ống dẫn trứng. Ảnh minh họa.
Tắc vòi trứng có dấu hiệu gì?
Tắc vòi trứng gần như không gây bất kỳ một triệu chứng rõ rệt nào. Nhiều phụ nữ không biết họ bị tắc vòi trứng cho tới khi đi khám hiếm muộn sau khi họ cố gắng mang thai nhiều lần mà không được.
Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu khi chị em bị tắc vòi trứng nên lưu ý gồm:
- Rối loạn kinh nguyệt: Rối loạn kinh nguyệt có nhiều nguyên nhân, nhưng tắc vòi trứng sẽ gây nên tình trạng tháng có nhiều máu kinh nhưng tháng lại có rất ít, thậm chí có màu đen, hôi, tần xuất lặp lại nhiều lần.
- Tăng dịch tiết âm đạo khiến khí hư ra bất thường, đau khi quan hệ tình dục, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi.
- Cảm giác khó chịu ở bụng, cứng bụng, đau lưng…
Tắc vòi trứng có thụ tinh nhân tạo được không?
Khi bị tắc vòi trứng, bạn vẫn có cơ hội làm mẹ sau khi điều trị can thiệp tắc ống dẫn trứng. Vì vậy, nếu nghi ngờ tắc ống dẫn trứng, bạn nên tới cơ sở y tế để xác định tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Theo Thu Linh/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/tac-voi-trung-gay-hiem-muon-co-thu-tinh-nhan-tao-duoc-khong-169220916152610646.htm