Nhiều diễn viên như Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Kim Nhã,...đã thể hiện rất thành công hình tượng bà mẹ đơn thân trong các bộ phim như "Hai Phượng", "Hạnh phúc của mẹ", "Giấc mơ của mẹ",...
Cùng với sự phát triển của thời đại, đề tài phim ảnh về mẹ đơn thân hiện nay xuất hiện khá phổ biến. Có nhiều kiểu hình tượng mẹ đơn thân trong cuộc sống nhưng trên màn ảnh Việt hiện nay, có bốn kiểu hình tượng là thường thấy nhất. Nhiều diễn viên như Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Kim Nhã,...đã thể hiện rất thành công hình tượng bà mẹ đơn thân trong các bộ phim như "Hai Phượng", "Hạnh phúc của mẹ", "Giấc mơ của mẹ",...
Hai Phượng (Hai Phượng) - “Mẹ anh hùng”
Xuất hiện trong phim điện ảnh Hai Phượng, Ngô Thanh Vân vào vai một người mẹ đơn thân gai góc, biết võ, khác hẳn với những bà mẹ thường thấy trên màn ảnh. Vốn xuất thân là một đả nữ nên hầu hết các bộ phim của Ngô Thanh Vân đều thuộc thể loại hành động. Trong Hai Phượng, cô làm nổi bật hình tượng một người mẹ mang khí chất anh hùng khi sẵn sàng chiến đấu với tội phạm để tìm con trở về. Dù “đơn thân độc mã” tìm con nhưng bằng sự kiên trì và lòng yêu thương của người mẹ, Hai Phượng đã thành công cứu được con gái.
Hai Phượng kể về hành trình tìm con đầy căng thẳng và nghẹt thở của bà mẹ đơn thân Hai Phượng. Xuất thân là con nhà võ, từng sống trong giới giang hồ nhưng Hai Phượng sẵn sàng bỏ hết tất cả để về quê sống ẩn dật cùng con gái Mai. Một ngày nọ, Mai bị bắt cóc và rơi vào đường dây buôn bán trẻ con nguy hiểm. Để cứu con, Hai Phượng phải trở lại giới giang hồ tìm kiếm thông tin, cô đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng chưa từng bỏ cuộc.
Tuệ (Hạnh phúc của mẹ) - “Mẹ tần tảo”
Hình tượng Tuệ (Cát Phượng) - người mẹ trong phim "Hạnh phúc của mẹ" có thể miêu tả gói gọn trong tính từ “tần tảo”. Cuộc sống mẹ đơn thân của Tuệ khó khăn hơn nhiều người khi phải chăm lo cho con trai mắc bệnh tự kỷ. Tuy không có đủ hiểu biết, nghiệp vụ về việc chăm sóc cho trẻ tự kỷ nhưng bằng tình thương, sự bao dung đủ lớn của tình mẹ, Tuệ đã giúp con trai hòa nhập với mọi người. Hoàn cảnh khó khăn chưa bao giờ là lý do khiến Tuệ ngừng cố gắng, một người mẹ tần tảo cả đời để chăm lo cho con mình.
Cát Phượng vào vai Tuệ, mẹ đơn thân phải chăm lo cho con trai mắc bệnh tự kỷ.
"Hạnh phúc của mẹ" ra mắt vào năm 2019 với sự tham gia của Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn, nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả nhờ vào kịch bản ý nghĩa, nhân văn. Phim xoay quanh mẹ con Tuệ và Tim sống chan hòa trong một làng chài nhỏ. Tuệ phải cố gắng làm việc và nuôi dạy con trai mắc bệnh tự kỷ, dù đứng giữa nhiều khó khăn nhưng Tuệ luôn dành tình thương lớn cho con.
Băng Di (Chị mẹ học yêu) - “Mẹ sành điệu”
Vì tính chất nghề nghiệp, nhân vật Băng Di do Ngọc Trinh đóng trong "Chị mẹ học yêu" thường diện rất nhiều trang phục đẹp, tôn dáng và “bắt trend”. Cô là một cô nàng nông nổi, thích bay nhảy, cô còn quá trẻ để đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng con cái của một người mẹ. Tuy không có kinh nghiệm nhưng Băng Di luôn cố gắng từng ngày trong việc chăm sóc và lắng nghe cậu con trai nhỏ.
"Chị mẹ học yêu" là hành trình trưởng thành của bà mẹ đơn thân nông nổi Băng Di.
"Chị mẹ học yêu" là hành trình trưởng thành của bà mẹ đơn thân nông nổi Băng Di trong việc nuôi dưỡng cậu con trai 6 tuổi. Trong quá trình chăm sóc con cái và theo đuổi đam mê, Băng Di gặp được tình yêu đích thực đời mình. Phim có sự tham gia của Ngọc Trinh, Trương Thế Vinh, Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa.
Thùy Linh (Giấc mơ của mẹ) - “Mẹ vụng về”
Trong số "Giấc mơ của mẹ", mẹ đơn thân Thùy Linh do nữ diễn viên Kim Nhã thủ vai nhận được nhiều sự chú ý. So với những hình tượng ở trên, Thùy Linh có phần vụng về và thiếu kinh nghiệm trong vấn đề làm mẹ. Cô là một cô gái ngây thơ, tốt bụng và còn trẻ, dễ hiểu vì sao Thùy Linh không thể quan tâm và nuôi dạy con gái theo hướng toàn vẹn nhất.
So với các bà mẹ trên, Thùy Linh có phần vụng về và thiếu kinh nghiệm trong vấn đề làm mẹ nhưng cô luôn cố gắng yêu thương và bảo bọc con.
Vụng về, đôi khi khiến người xem khó hiểu vì hành động của mình nhưng Thùy Linh luôn cố gắng yêu thương và bảo bọc cho con. Là một nạn nhân của bạo lực gia đình, cô đã tự cứu chính mình và con gái bằng cách chạy trốn khỏi người chồng điên rồ. Có những lúc, tình thương đủ lớn cũng có thể lấp đầy những thiếu sót khác."Giấc mơ của mẹ" là hành trình giãi bày nỗi lòng của mẹ, và là chặng đường học hỏi cách lắng nghe cha mẹ của con cái.
Dù là thuộc kiểu hình tượng người mẹ nào đi chăng nữa thì tất cả đều dành một tình thương lớn cho các con của mình. Mỗi một kiểu hình tượng bên trên đều là những kiểu hình dễ bắt gặp trong cuộc sống. Họ có thể thiếu sót ở một vài điểm nhưng chắc chắn luôn yêu thương con cái./.
Theo Lê Anh/VOV.VN
https://vov.vn/giai-tri/nghe-si/ngo-thanh-van-va-nhung-dien-vien-dong-me-don-than-gay-sot-man-anh-viet-post975355.vov