Cập nhật: 09/10/2022 08:53:00
Xem cỡ chữ

Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà các làng nghề trên địa bàn tỉnh mang lại, đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của chính những người dân trong làng nghề.

Làng nghề mộc nổi tiếng thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đang tạo việc làm ổn định cho hơn 2 nghìn lao động trực tiếp và gần 6 nghìn lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Người dân có nghề truyền thống, kinh tế ổn định, đời sống được nâng cao. Song, do quy mô sản xuất của người dân ngày càng được mở rộng, trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh là do quy mô sản xuất tại các làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình; công nghệ và thiết bị sản xuất phần lớn lạc hậu, chắp vá, thiếu đầu tư đồng bộ. Môi trường làng nghề bộc lộ những bất cập còn do cơ sở hạ tầng tại một số địa phương vẫn ở mức thấp, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải hoặc không đáp ứng được yêu cầu.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch được phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong tỉnh lập đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện./.

Đặng Thưởng