Cập nhật: 14/10/2022 14:14:00
Xem cỡ chữ

Xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng trăm mảnh ruộng nhỏ, manh mún, những năm gần đây, ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện những cánh đồng công nghệ cao. Ở đó, người nông dân áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những “nông trại không dấu chân” bằng phương pháp điều khiển từ xa để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, những người nông dân thời công nghệ số đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh trên tinh thần “thay đổi để phát triển”.

Làm nông là phải tất bật ngoài ruộng vườn từ sáng đến tối để chăm sóc cây, đó là câu chuyện của ngày xưa. Còn ngày nay, với một chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet, những người nông dân như chị Yến có thể ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể kiểm tra sự phát triển của vườn dưa cũng như các loại cây trồng của gia đình. Sau khi các thiết bị cảm ứng đã phân tích toàn bộ điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu cần chăm sóc của cây, chị chỉ cần mở điện thoại là tất cả hệ thống tự động sẽ chăm sóc cây theo lập trình máy đã định sẵn. Nhờ đó, nông trại của chị không cần nhiều lao động, chủ yếu là giám sát hoạt động của hệ thống máy móc.

Nông dân thông minh sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp thông minh. Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng đến việc tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào sản xuất nông nghiệp tập trung như khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân ngày nay đã dần thay đổi tư duy manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững hơn. Đặc biệt, với sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm tốt hơn thông qua kênh mua bán hàng trực tuyến.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh giờ đã không còn xa lạ đối với người nông dân. Trong thời đại công nghệ số, họ đã mạnh dạn rũ bỏ “tấm áo cũ”, dám nghĩ, dám làm để tự tin làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Thu Thủy