Sáng 20/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tọa đàm giải pháp phát triển nấm ăn, nấm dược liệu.
Nấm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dược liệu quý, một loại rau sạch có giá trị kinh tế cao, vì vậy, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng ngày càng tăng. Những năm gần đây,trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm có hiệu quả ở quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nấm.
Diện tích và sản lượng nấm liên tục tăng, nếu như năm 2018, diện tích trồng nấm chỉ có 0,6 ha, sản lượng 34 tấn thì đến năm 2022 đã tăng diện tích lên 7,66 ha, sản lượng đạt hơn 954 tấn. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sản xuất nấm ở Vĩnh Phúc đang ở quy mô nhỏ, phân tán, năng suất lao động chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, xuất khẩu còn ít; giống nấm chưa phong phú, công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chủ động,…
Tại buổi tọa đàm, các cơ quan chuyên môn đã tập trung giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; vai trò của cây nấm trong sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp trồng nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn chia sẻ những kinh nghiệm về điều kiện, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nấm; các loại nấm được thị trường ưu chuộng, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Buổi tọa đàm mở ra cơ hội cho nông dân, người trồng nấm Vĩnh Phúc hiểu rõ hơn về quy trình cũng như những kinh nghiệm, giải pháp sản xuất nấm. Qua đó từng bước phát triển và nâng cao hiệu quả nghề trồng nấm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh./.
Hà Giang