Thời gian qua, công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đang đặt ra cho Vĩnh Phúc những yêu cầu bức thiết, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, rác được tập kết ngay trên tuyến đê Sáu Vó, cạnh tuyến đường nối thị trấn Hương Canh đi xã Tân Phong và thị trấn Thanh Lãng. Không những vậy, bãi rác này còn tràn xuống mặt nước đầm cạnh đó, gây ô nhiễm nguồn nước. Theo phản ánh của người dân trên địa bàn, bãi rác này ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Khu xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường cũng đang quá tải. Với lượng rác của thị trấn hàng ngày xả ra khoảng 16 đến 18 tấn, nhưng công suất xử lý của lò đốt lại quá nhỏ, dẫn đến rác thải tại đây bị ùn ứ. Khu xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Thổ Tang hiện đang tồn tại những núi rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 920 tấn rác, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn. Tỷ lệ thu gom rác đạt hơn 76% ở khu vực nông thôn và trên 96% ở khu vực đô thị. Tuy nhiên phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường và đốt thủ công; hoặc đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ; hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động đều chưa đạt quy chuẩn về môi trường.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề bức xúc về rác thải, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thu gom triệt để và từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Từng bước hình thành hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã.
Để từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch công suất 270 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc công suất 50 tấn/ngày; cải tạo, nâng công suất nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày. Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân về công tác bảo vệ môi trường.
Lưu Trường