Tuy đề tài lịch sử gây tò mò với khán giả nhưng "Huyền sử vua Đinh" bị công chúng quay lưng. Bộ phim ghi nhận doanh thu thấp kỷ lục sau những ngày đầu tiên công chiếu.
Sau 2 năm "ngủ đông" do dịch Covid-19, ngành điện ảnh kỳ vọng phục hồi từ mùa phim Tết đầu năm 2022. Tuy nhiên, đã hơn 9 tháng trôi qua, hầu hết các dự án ra rạp đều chung số phận: lỗ nặng!
Xét về ngoại cảnh, thị trường 2022 không có sức cạnh tranh quá khốc liệt. Các nền điện ảnh trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc vẫn hoạt động cầm chừng. Nhiều dự án bom tấn bị đình trệ ở khâu sản xuất, không kịp tiến độ ra mắt rầm rộ năm 2022.
Trong bối cảnh đó, sự thua lỗ của điện ảnh Việt vẫn tồn tại đầy nhức nhối. Số phim có doanh thu cao hoặc hòa vốn vẫn là số ít, chưa quá đầu ngón tay.
"Huyền sử vua Đinh" là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Anthony Võ. Bộ phim được công chiếu từ ngày 18/11 nhưng chỉ ghi nhận mức doanh thu thấp với 39 triệu đồng theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập.
Đây là con số đáng báo động, nếu không muốn dùng từ "thấp kỷ lục". Theo dự đoán, bộ phim sẽ sớm rời khỏi hệ thống vì lượng vé bán ra không đạt kỳ vọng.
Theo nhiều ý kiến, bộ phim tồn tại những lỗ hổng về kịch bản, khâu tạo hình nhân vật, bối cảnh lịch sử thiếu sự đầu tư. Đồng thời, suất chiếu khiêm tốn và những giới hạn trong công tác truyền thông... cũng góp phần khiến doanh thu bị ảnh hưởng. Điều này càng làm cho bức tranh điện ảnh Việt những ngày cuối năm thêm phần ảm đạm.
Bộ phim "Huyền sử vua Đinh" gây tranh cãi về chất lượng (Ảnh: Nhà sản xuất).
Thiếu chiều sâu khi khai thác đề tài lịch sử
Nội dung "Huyền sử vua Đinh" xoay quanh câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Bộ phim khai thác theo yếu tố huyền sử. Kịch bản xây dựng dựa trên những truyền thuyết dân gian về những nhân vật lịch sử có thật. Đồng thời, để tăng tính hấp dẫn, biên kịch cũng lồng ghép những yếu tố huyền ảo cho tác phẩm này.
Lựa chọn lối kể đơn giản, kịch bản theo cấu trúc thời gian tuyến tính và thời lượng giới hạn 78 phút, có thể nói, nhà sản xuất đã tính toán khá cẩn trọng nhằm truyền tải những giá trị lịch sử đến khán giả trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, đoàn làm phim lại thiếu đi những yếu tố chiều sâu khi xây dựng bối cảnh, nhân vật và cấu trúc kịch bản, khiến mạch phim kém hấp dẫn và có phần khiên cưỡng.
Trước hết là về kịch bản. Bộ phim chỉ tập trung bám vào cột mốc lịch sử mà không tạo dựng số phận con người, sự mâu thuẫn hay kết nối giữa các nhân vật. Chính vì vậy, cấu trúc kịch bản trở nên nhàm chán và đơn điệu, thiếu đi sự cao trào hay những nút thắt lôi cuốn.
Những phân cảnh hành động trong phim thiếu sự đầu tư nên khó tạo điểm nhấn kịch tính. Các nhân vật di chuyển chậm chạp, lờ đờ. Kỹ xảo thiếu chỉn chu. Tất cả tạo nên sự sốt ruột hơn là mong đợi, thậm chí, có nhận định, "Huyền sử vua Đinh" đang đi vào lối mòn của những tác phẩm sản xuất đầu thập niên 2000.
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên không quá nổi bật (Ảnh: Nhà sản xuất).
Về diễn viên, những tên tuổi như Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành... còn tương đối xa lạ, chưa đủ lực kéo hút khán giả ra rạp. Các diễn viên thiếu sự tương tác trước ống kính, khiến người xem tụt cảm xúc vì lối diễn xuất cường điệu quá đà.
Phần trang phục, hóa trang của "Huyền sử vua Đinh" cũng gây nhiều tranh cãi vì thiếu sự nghiên cứu và đầu tư. Từ binh khí cho đến những phụ kiện như râu giả thiếu đồng bộ. Chưa kể một số diễn viên quần chúng vẫn giữ nguyên màu tóc nhuộm và lối cắt tỉa theo xu hướng hiện đại, không hợp nhập vai binh lính thời xưa.
Tất cả yếu tố đó khiến bộ phim bị khán giả quê nhà hắt hủi. Nhiều ý kiến đánh giá, chất lượng "Huyền sử vua Đinh" ở mức dưới trung bình, thích hợp chiếu trên các nền tảng mạng xã hội hơn là phim điện ảnh chiếu rạp.
Phim dở, khán giả muốn thương cũng khó
Sự thất bại về mặt doanh thu của bộ phim nằm trong dự liệu của đạo diễn Anthony Võ và ê-kíp sản xuất. Anh chia sẻ, đề tài lịch sử kén khán giả nên không nhiều đạo diễn Việt Nam quan tâm. Anh cũng lường trước được điều này nhưng đam mê sử Việt quá lớn nên vẫn quyết tâm làm. Sau bộ phim, Anthony Võ sẽ cân nhắc thực hiện một tác phẩm điện ảnh cùng thể loại.
Thực tế, không chỉ với "Huyền sử vua Đinh", các bộ phim lịch sử đều là những ca khó với nhà làm phim. Sự giới hạn về bối cảnh, chi phí, đạo cụ, kỹ xảo... cũng khiến nhà sản xuất e ngại, bên cạnh vấn đề thiếu nguồn nhân lực. Chưa kể, những yêu cầu khắt khe về kịch bản, lối khai thác hấp dẫn, hợp xu hướng thay vì minh họa đơn thuần cũng khiến các nhà làm phim lưỡng lự khi đầu tư.
Khán giả Việt thông cảm cho cái khó của các đơn vị sản xuất, nhưng không phải vì thế mà thỏa hiệp với những tác phẩm kém chất lượng. Doanh thu của "Huyền sử vua Đinh" là minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm này.
Đây là một lời cảnh tỉnh cho các nhà làm phim. Thay vì gắn mác phim Việt, huyền sử để kêu gọi sự ủng hộ, vẫn nên chú trọng những giá trị cốt lõi của tác phẩm. Nếu bộ phim được đầu tư chỉn chu, khai thác hấp dẫn, tự khắc sẽ tạo hiệu ứng truyền miệng, thu hút khán giả ra rạp.
Đồng thời, các nhà sản xuất cần có kế hoạch phát hành cẩn trọng hơn, tận dụng ưu thế trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp chặt chẽ với các cụm rạp để đảm bảo suất chiếu phù hợp. Có như vậy, phim Việt nói chung và phim lịch sử nói riêng mới lấy lại lòng tin từ khán giả nước nhà.
Diễn viên phụ giữ nguyên màu tóc nhuộm (Ảnh: Nhà sản xuất).
Cách mạng cho điện ảnh Việt Nam ở đâu?
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một thế mạnh phim nhất định. Nhắc tới Hàn Quốc là phim về đề tài tình yêu, gia đình, nói đến Mỹ không thể bỏ qua những phim hành động, Trung Quốc nổi tiếng với phim cổ trang, lịch sử kinh điển… Nhưng dường như điện ảnh Việt Nam đến nay chưa có một dòng phim nào thực sự tạo thành dấu ấn để làm nên thương hiệu. Dẫu chúng ta có nhiều đề tài hay và bối cảnh phim cũng không kém phần hoành tráng.
Trước vấn đề này, Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, đây là câu chuyện rất dài, cần có những cuộc trao đổi của nhiều giới làm phim và người quản lý văn hóa. Vì một vài bộ phim, một ê-kíp hay một nhà sản xuất chỉ như một "cánh én nhỏ", không thể làm nên một cuộc cách mạng.
"Nó cần có những người đi đầu tiên, những bước đi khẳng định đầu tiên để có sự lan tỏa, cổ vũ chung cho tất cả anh em làm nghề cùng nhau có được chuỗi các bộ phim chất lượng. Nó phải bao gồm rất nhiều nhà sản xuất có tâm, đủ mạnh và chuyên nghiệp trong tất cả các khâu thì dần dần chúng ta mới có được vị trí xứng đáng trên nền tảng số, cũng như hệ thống phim ở Việt Nam trên thế giới", đạo diễn Đặng Thái Huyền nói.
Khán giả kỳ vọng nhà sản xuất phim lịch sử đầu tư hơn vào bối cảnh (Ảnh: Nhà sản xuất).
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, điện ảnh Việt rất cần sự quan tâm thật sự của Nhà nước với những đề tài kén khách, những bộ phim lịch sử, những bộ phim phản ánh cuộc kháng chiến của dân tộc, những bộ phim đi vào các góc khuất của con người cuộc sống đương đại…
Những đề tài đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước để chúng ta có sự đầu tư đặt hàng, để các hãng phim của Nhà nước vẫn sống được, để hãng các phim tư nhân cũng được tham gia vào việc sản xuất và làm những bộ phim hay có chất lượng. Và để làm sao ranh giới giữa hãng nhà nước và tư nhân sẽ được cải thiện, tất cả vì sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam.
Ông Hùng thừa nhận rằng, kịch bản của chúng ta cần phải học nhiều, nhất là cần tiếp thu của các nước điện ảnh phát triển trên thế giới. "Cũng như ẩm thực, không ai ăn mãi một món. Phim ảnh cần có sự đa dạng, đã làm, hãy làm cho tới. Làm tốt, ra cái chất riêng của tác phẩm thay vì ăn theo công thức rập khuôn", ông Hùng khẳng định.
Theo Hương Hồ/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/them-mot-phim-viet-lo-nang-chi-thu-39-trieu-dong-sau-hon-5-ngay-ra-rap-20221125111729741.htm