Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, văn hóa cần phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Với mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc cũng đã và đang hướng đến nhiều tiêu chí bền vững và thiết thực nhằm cải thiện, nâng cao tối đa đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong đó, văn hóa bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo sau khi tái lập, Vĩnh Phúc thấm nhuần hơn bao giờ hết những gì cần và đủ để có thể xây dựng được một nền văn hóa thực sự bền vững và thấm đẫm bản sắc địa phương. Với phương châm “Không thể có tỉnh phát triển nếu văn hóa chưa phát triển, không thể là tỉnh đáng sống nếu thiếu cư dân văn minh, văn hóa”, Vĩnh Phúc lấy việc phát triển kinh tế xã hội gắn liền với xây dựng một nền văn hóa bền vững làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.
Phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, và đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển. Vì thế, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội cần xoay xung quanh việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Và một trong những mục tiêu mũi nhọn trong sự phát triển của Vĩnh Phúc đó là chú trọng phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.
Với những bước đi đúng đắn, Vĩnh Phúc đang trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển bền vững, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và du khách quốc tế. Đặc biệt, mới đây, sự kiện Khu du lịch Tam Đảo của Vĩnh Phúc trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022 đã tiếp tục nâng cao vị thế của Vĩnh Phúc không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
Với bề dày lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống chính là yếu tố quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển một cách bền vững. Tin rằng, với những bước đi đúng đắn và vững chắc, trong tương lai Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục giữ vị trí top đầu trong những tỉnh phát triển và trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963./.
Hồng Nụ