Cập nhật: 05/01/2023 15:24:00
Xem cỡ chữ

Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đang có chuyến công du 4 quốc gia Mỹ Latin gồm Mexico, Brazil, Ecuador, Argentina và đồng minh Mỹ.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ Latin, Ngoại trưởng Nhật Bản đặt ra nhiều mục tiêu trọng tâm đặc biệt là tăng cường quan hệ hợp tác về mọi mặt, trong bối cảnh nhiều nước như Nga, Trung Quốc... cũng đang tăng tốc thúc đẩy quan hệ với khu vực này. Theo đó, có rất nhiều kỳ vọng cho chuyến thăm này, đầu tiên là chuẩn bị cho những nội dung của cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/1 tới nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Kishida Fumio.

nhat ban va hop tac song phuong, da phuong trong cuc dien moi hinh anh 1

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. (Nguồn: Kyodo)

Củng cố vai trò trong cục diện mới

Chuyến thăm các nước Mỹ Latin của Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa khẳng định cam kết của Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia Mỹ Latin nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Tuy là chuyến thăm đầu tiên của ông Hayashi Yoshimasa, nhưng những đời ngoại trưởng trước, họ đều đến thăm khu vực này trong nhiệm kỳ của mình. Và đây là sự tiếp nối.

Tại Brazil, nơi có khoảng 1,5 triệu người gốc Nhật đang sinh sống, nên có thể nói đây giống như một "căn cứ" của Nhật Bản tại khu vực Mỹ Latin.

Trong bối cảnh hiện tại, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang căng thẳng và trước đó Mỹ cũng đã có sức ép đối với khu vực này trong việc ủng hộ Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia Mỹ Latin giường như không chỉ thể hiện sự độc lập về chính trị và kinh tế, mà còn ủng hộ Moskva theo nhiều cách. Đây có thể nói là sự khác biệt về lập trường. Đại đa số dân số các nước Mỹ Latin cho rằng xung đột Nga-Ukraine hoàn toàn "không phải là việc của họ".

Đối với các cường quốc khu vực như Mexico, Brazil và Argentina, họ đã từ chối thảo luận về bất kỳ biện pháp trừng phạt nào chống lại Nga với Mỹ. Ngoài ra, với sự mất cân bằng đáng kể hiện nay trong tất cả các cơ chế tài chính và thương mại thế giới, sẽ có lợi cho các nước Mỹ Latin nếu những người chơi “không phải phương Tây”, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga …đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế. Và đây cũng là góc độ mà Nhật Bản mong muốn không chỉ duy trì mà mong muốn tăng cường hợp tác truyền thống với các nước Mỹ Latin. Nghĩa là cục diện thay đổi, Nhật Bản cũng phải lựa thế mà cư xử cho phù hợp để duy trì vị thế và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực quan trọng này.

Mỹ và sự bền chặt

Mỹ có thể nói là 1 điểm nhấn quan trọng của chuyến công du của Ngoại trưởng Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật dự kiến diễn ra vào tuần tới. “Sự vững chắc chưa từng có” trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật như lãnh đạo 2 bên từng nhấn mạnh tiếp tục được tăng cường thông qua những thỏa thuận quan trọng.

Trên thực tế Nhật Bản đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến thăm này của Thủ tướng Kishida Fumio từ năm ngoái, và thời điểm cụ thể đã được đã được chốt. Theo đó, Nhà Trắng sẽ đón Thủ tướng Kishida Fumio vào ngày 13/1 tại Nhà Trắng.

Dự kiến nhiều nội dung quan trọng sẽ  được hai nhà lãnh đạo thảo luận, do đó Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa từ hôm 4/1 đã bắt đầu thực hiện chuyến thăm Mỹ và các nước Trung Nam Mỹ. Tại Mỹ, Ngoại trưởng Hayashi sẽ thảo luận về vấn đề cụ thể tăng cường hợp tác của Mỹ đối với chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, hội nghị 2+2 giữa hai nước trong năm nay. Đây cũng là nội dung mà ông Kishida và Joe Biden sẽ trực tiếp đề cập trong cuộc hội đàm cấp cao tới.

Dư luận cho rằng Ngoại trưởng Hayashi cũng đã chuẩn bị những nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác thực hiện Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nghĩa là những vấn đề mấu chốt để có thể hai bên sẽ dễ dàng thỏa thuận trong cuộc gặp cấp cao Nhật-Mỹ.

Một vấn đề mà Nhật-Mỹ sẽ tập trung vào thảo luận là việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm thực hiện phương châm lâu dài cho chính sách ngoại giao, an ninh Nhật Bản, biện pháp cụ thể tăng cường năng lực quốc phòng trong Chiến lược an ninh quốc gia. Điều này thể hiện mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ ngày càng được củng cố bởi những lợi ích chung song hành.

Thúc đẩy quan hệ đa phương

Phát huy vai trò của Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương cũng là nhiệm vụ chính của chuyến thăm lần này. Cần nhắc lại, Nhật Bản là 1 trong 4 nước trong Nhóm G4 - một liên minh gồm Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản nhằm ủng hộ nhau ứng cử ghế thành viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Nhật Bản là Ủy viên Không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024 và Chủ tịch luân phiên hàng tháng Hội đồng Bảo an trong tháng 1/2023. Với vị trí này, Nhật Bản sẽ mạnh mẽ trong việc thực hiện những chiến lược đã thực hiện từ trước đó với sự tham gia của đồng minh Mỹ và các đối tác quan trọng khác.

Chính sách ngoại giao Nhật Bản trong giai đoạn này đã xác định rất rõ rằng tầm nhìn mà Nhật Bản hướng tới là thúc đẩy pháp quyền, tự do hàng hải, thương mại tự do và dân chủ, trong đó ưu tiện việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Và đây là điều đầu tiên Nhật Bản muốn tiếp tục khẳng định trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa cũng như của Thủ tướng Kishida Fumio tới Mỹ.

Tại Liên Hợp Quốc, vị trí và vai trò của Nhật Bản ngày càng được nâng cao. Với vai trò là Ủy viên Không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024, Nhật Bản chắc chắn sẽ đưa ra vấn đề liên quan đến Triều Tiên phát triển tên lửa và thử hạt nhân, tiếp tục phê phán và khẳng định lập trường không vũ khí hạt nhân trên thế giới, yêu cầu Triều Tiên tiếp tục giải quyết vấn đề con tin Nhật Bản bị bắt cóc.

Nghĩa là đồng thời cùng lúc vấn đề quốc nói chung liên quan đến vấn đề trong nước phải được cộng đồng quốc tế lưu tâm và có những biện pháp giải quyết. Đây là những việc cụ thể mà Nhật Bản sẽ tích cực thực hiện trong năm nay, tiếp tục gây dựng một hình ảnh Nhật Bản mạnh mẽ và phát triển trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay./.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo

 https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhat-ban-va-hop-tac-song-phuong-da-phuong-trong-cuc-dien-moi-post994658.vov