Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025, có từ 1 đến 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Tại huyện Hướng Hóa, hàng chục dự án điện gió đã đi vào vận hành, tạo thành những cánh đồng điện gió có cảnh quan hấp dẫn du khách. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.
Khu du lịch cộng đồng Klu ở xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông được đầu tư xây dựng và khai thác năm 2014, thu hút khách bởi vẻ đẹp hoang sơ giữa núi rừng hùng vĩ, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Anh Nguyễn Thành An, 32 tuổi đến từ Hà Nội, chia sẻ khu du lịch cộng đồng Klu hấp dẫn bởi giữ được đặc trưng riêng của người dân địa phương, cụ thể là đồng bào Vân Kiều. Đó là những ngôi nhà sàn truyền thống, những âm điệu cồng chiêng và múa sạp, nghề dệt thổ cẩm và các món ăn đặc sản như cá mát, cơm nếp lam nướng bằng ống tre thơm ngon...
Vùng nông thôn Quảng Trị ngày càng có nhiều mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách. Điểm du lịch cộng đồng thác Tà Puồng ở thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa được nhiều du khách chọn trải nghiệm vào mùa Hè bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, có dòng nước mát lạnh.
Cũng tại huyện Hướng Hóa, hàng chục dự án điện gió đã đi vào vận hành, tạo thành những cánh đồng điện gió có cảnh quan hấp dẫn du khách. Từ đó, các tour du lịch tham quan những cánh đồng điện gió ngày càng nhiều, tạo thêm việc làm và sinh kế cho người dân ở vùng miền núi vốn chỉ có nghề nông và lâm nghiệp.
Giai đoạn năm 2023-2025, tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn thông qua việc đầu tư nâng cấp phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm du lịch nông thôn được phát triển mang đặc trưng của địa phương.
Tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có từ 1 đến 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch./.
Theo Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhieu-mo-hinh-du-lich-cong-dong-tai-quang-tri-thu-hut-khach/840101.vnp