Cập nhật: 20/01/2023 07:40:00
Xem cỡ chữ

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có tên Varicella virus gây ra. Bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, số ca mắc bệnh tăng cao và 90% người bị nhiễm bệnh thủy đậu là trẻ trong độ tuổi từ 2 - 7 tuổi.

Bệnh thủy đậu dễ lây lan

Bệnh thủy đậu do virus Varicella virus gây nên, vì vậy rất dễ lây truyền. Khi một người mang virus thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho... thì các virus đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay.

Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải virus, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh là khoảng 2 - 3 tuần.

Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Những người có hệ miễn dịch suy yếu bị trái rạ, thì phải mất thời gian lâu hơn để những mụn thủy đậu của họ đóng vảy.

Khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu trong gia đình sẽ bị, nếu tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh.

Mặc dù là bệnh lành tính - không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não... Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật thai nhi.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu qua từng giai đoạn - Ảnh 2.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có tên Varicella virus gây ra.

Nhận biết bệnh thủy đậu qua các giai đoạn

Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

- Ở giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.

- Ở giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu.

Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.

- Ở giai đoạn toàn phát

Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.

Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể bệnh nhân. Mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống.

Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

- Ở giai đoạn hồi phục

Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu qua từng giai đoạn - Ảnh 4.

Để phòng bệnh thủy đậu cần tiêm vaccine chống thủy đậu cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Cần làm gì khi mắc thủy đậu?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị thủy đậu, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Là bệnh lành tính do vậy có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Các trường hợp bị biến chứng cần điều trị nội trú tại bệnh viện theo đúng liệu trình của bác sĩ. Để bệnh nhanh thuyên giảm và an toàn khi điều trị, cần lưu ý khi điều trị tại nhà:

- Người bệnh nên mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều. Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.

- Cần giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.

- Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời. Cần chủ động cách ly, tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.

- Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.

- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.

Tóm lại: Để phòng bệnh thủy đậu cần tiêm vaccine chống thủy đậu cho trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi được tiêm 1 lần. Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần. Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80 - 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu nếu chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa trong 3 ngày sau đó. Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.

Theo BS Trần Anh Tuấn/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-cua-benh-thuy-dau-qua-tung-giai-doan-169230107211648335.htm