Cập nhật: 20/01/2023 10:10:00
Xem cỡ chữ

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh sâu, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã dẫn đến số ca đột quỵ và mắc các bệnh hô hấp ở người cao tuổi nhập viện tăng mạnh. Những ngày lạnh ở miền Bắc vẫn còn kéo dài, do đó, việc theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết.

Tăng bệnh nhân nhập viện

Mấy ngày qua, ông Nguyễn Văn Mạnh (70 tuổi, ở phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương cấp cứu kịp thời vì thời tiết lạnh sâu đã khiến ông lên cơn khó thở. Ông có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên thường xuyên bị ho, mỗi lần ho là lại khó thở, bệnh chuyển biến nặng, nhưng may mắn ông được cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết: Hơn một tuần gần đây, thời tiết miền Bắc chuyển lạnh sâu, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện tăng ở tất các bệnh viện. Riêng tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, số lượng bệnh nhân liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường tới khám tăng rõ rệt.

Đề phòng đột quỵ khi thời tiết chuyển lạnh

Thời tiết lạnh sâu khiến bệnh nhân nhập viện tăng tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: NGỌC TRANG  

Theo các chuyên gia y tế, khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi... Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm. Người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não kém hơn bình thường, có thể dẫn đến đột quỵ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng 15-20% vào mùa đông, trong số đó có tới 60-70% bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm và sáng sớm (thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều).

Tránh nhập viện khi đã muộn

PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi cao, ít để lại di chứng. Ngược lại, nếu điều trị muộn cơ hội phục hồi sẽ thấp đi. Khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào. Đã có nhiều sự cố đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống các loại thuốc được cho là chống đột quỵ não... Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não vì bệnh nhân không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc, dẫn đến suy hô hấp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu, nếu được đưa đến bệnh viện sớm thì các yếu tố nguy cơ hoặc nguy cơ gây tiến triển nặng cho bệnh nhân được can thiệp sớm. Nhưng trên thực tế, có nhiều bệnh nhân đột quỵ lại không được đưa đến sớm. Với người bị đột quỵ não, thời gian là vàng quyết định sự sống cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân. Nếu được cấp cứu trong vòng 4-5 giờ, bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch; trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.

Nghiên cứu của Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng cho rằng, đột quỵ thường xảy ra bất ngờ và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Có tới 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 25-30% người bệnh sau phục hồi có thể tự đi lại và phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Người trẻ nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não, vì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế hàng đầu không phân biệt lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay. Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý mọi người cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà. Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.

Theo HÀ VŨ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/de-phong-dot-quy-khi-thoi-tiet-chuyen-lanh-715755