Khoảng sau mùng 2 Tết, khi số lượng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia gia tăng, đồng nghĩa với số lượng bệnh nhân tăng đáng kể.
TS.BS Nguyễn Xuân Hoà, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, BV Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức) chia sẻ, ngày Tết là lúc các gia đình tụ tập, sum vầy. Thế nhưng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy thuốc luôn thôi thúc các y bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ.
“Có 2 khoảng thời gian khác nhau khi tham gia trực Tết. Thứ nhất là mốc từ 30 Tết đến mùng 1 Tết, số lượng tai nạn giao thông cũng như số lượng khám cáp cứu giảm đáng kể. Nhưng khoảng sau mùng 2, khi số lượng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia tăng đáng kể thì số lượng bệnh nhân tăng đáng kể. Chúng tôi vẫn gọi là vỡ trận trong trực cấp cứu sau ngày mùng 2 Tết vì có rất nhiều tai nạn xảy ra”, BS Hoà cho biết.
Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức.
Đáng chú ý, theo BS Hoà, trung bình trong 24h ở thời điểm “vỡ trận” này, phòng cấp cứu BV Việt Đức tiếp nhận khoảng 50 trường hợp liên quan tới rượu bia. Các trường hợp cấp cứu này thường rất nặng, vì người bệnh thường giảm ý thức khi tham gia giao thông. Hậu quả của tai nạn giao thông thường rất nghiêm trọng, như chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín. Thứ hai, người bệnh thường giảm hoặc mất ý thức, đôi khi người bệnh trong trạng thái kích thích, không kiểm soát được hành vi của mình, rất khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế khi tiếp cận, khám, cấp cứu.
Trải qua nhiều ca cấp cứu những trường hợp bệnh nhân tai nạn do rượu bia, BS Hoàng Quốc Thanh, Khoa Phẫu thuật cấp cứu và tiêu hóa (BV Việt Đức) cho biết thêm, phần lớn các trường hợp bệnh nhân này đều trong trạng thái kích thích, bệnh nhân có thể gào thét, vùng vẫy, thậm chí chửi bới các y bác sĩ.
“Chúng tôi cũng quen với tình trạng như vậy và xử lý cấp cứu như bệnh nhân thông thường. Trong quá trình chụp chiếu cần nằm bệnh nhân yên tĩnh thì có thể mời thêm bác sĩ về hồi sức để sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần để đảm bảo chụp chiếu và trong quá trình nằm theo dõi không quá kích thích, ảnh hưởng tới bệnh nhân khác”, BS Thanh nói.
Trực cấp cứu là công việc rất áp lực, đặc biệt tại một bệnh viện tuyến đầu ngành như BV VIệt Đức, với trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 150 đến 200 trường hợp cấp cứu, trong đó có 30-40 ca phẫu thuật cấp cứu.
BV Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối nên hầu hết ca bệnh chuyển lên đều là ca bệnh khó, phức tạp, nằm trong bệnh cảnh của đa chấn thương, chấn thương sọ não. Ngoài chấn thương ra còn phối hợp rất nhiều bệnh nền khác nhau, gây khó khăn cho công tác chuẩn đoán điều trị.
“Tôi nhớ mãi một trường hợp bệnh nhân nữ 19 tuổi, quê ở Nghệ An nhưng làm việc và sinh sống tại Vĩnh Phúc. Bệnh nhân bị xe tải cán qua 1 nửa người dưới. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc đa chấn thương, vỡ xương chậu, dập nát tầng sinh môn. Chúng tôi quyết định đẩy thẳng vào phòng mổ, huy động ê kíp tiết niệu, sản khoa và chấn thương. Lúc đấy chúng tôi cũng không hy vọng cứu được bệnh nhân. Bằng sự nỗ lực của các bác sĩ, sau 3 tháng nằm hồi sức cộng 6 lần phẫu thuật phục hồi chức năng thì đến nay, người bệnh đã sinh hoạt bình thường, có việc làm ổn định. Đến cuối năm 2022, bệnh nhân có mời tôi tới dự đám cưới”, Nguyễn Xuân Hoà chia sẻ niềm hạnh phúc khi cứu sống bệnh nhân và cả chung vui với hạnh phúc lứa đôi của người bệnh.
Theo Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/bac-si-canh-bao-tai-nan-do-ruou-bia-trong-dip-tet-post994385.vov