Trải qua bao thăng trầm, những người nghệ nhân tâm huyết của làng Bình Lăng với đôi bàn tay tài hoa vẫn đang ngày đêm miệt mài giữ nghề thêu tay, mong muốn phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.
Huyện Thường Tín (Hà Nội) nổi danh là “cái nôi” của nghề thêu tay miền Bắc với những nghệ nhân tài hoa và tâm huyết. Tuy nhiên sau một thời gian dài phát triển, những làng nghề thêu tay truyền thống nơi đây đang rơi vào cảnh “thoi thóp” khi phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp...
58 năm phát huy "hồn thêu" đất Việt
Làng Bình Lăng thuộc xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) được biết đến với nghề thêu tay nổi danh đất Việt. Những người dân nơi đây tri ân "ông tổ nghề" Lê Công Hành bằng cách gìn giữ nghề thêu tay truyền thống gần 200 năm tuổi, phát triển thương hiệu của địa phương với những sản phẩm thủ công chất lượng, được đánh giá cao bởi khách hàng trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục là một trong những người có đóng góp vào sự phát triển của nghề thêu ren tay truyền thống của làng Bình Lăng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Một trong những người con đất Bình Lăng đã kế nhiệm xuất sắc nghề tổ với biệt tài "vẽ tranh bằng chỉ" là nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục. Trải qua gần 60 năm say mê với những đường kim mũi chỉ, "ngọn lửa" đam mê trong ông vẫn chưa khi nào nguội lạnh, từng ngày mong mỏi sẽ truyền lại những tinh hoa của nghề truyền thống cho lớp thế hệ kế cận.
Là thành viên của gia đình duy nhất tại làng Bình Lăng có bốn đời “cha truyền con nối” gắn với nghề “vẽ tranh bằng chỉ,” nghệ nhân sinh năm 1955 được cha dạy những mũi thêu tay đầu tiên từ năm lên chín tuổi. Trải qua 58 năm làm nghề, làm thầy tại các trung tâm đào tạo nghề, ông đem những giá trị đặc sắc cùng kinh nghiệm và niềm đam mê với nghề thêu truyền lại cho con cháu và thế hệ trẻ, với mong muốn nghề truyền thống của ông cha sẽ được tiếp nối và phát huy.
Chia sẻ về điểm nổi trội trong những sản phẩm thêu tay của đất tổ, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cho biết so với dòng tranh thêu máy hay thêu tay thương mại, tranh thêu của làng Bình Lăng có thể “đi cùng năm tháng” bởi độ bền màu vượt trội. Sự khác biệt đến từ việc tranh của các xưởng nghề tại đây không có thao tác đánh màu hậu kỳ bằng bút dạ hay màu tuýp.
"Những mặt hàng tranh thêu máy, thêu chữ thập, thêu dấu nhân hay tranh thêu đại trà hiện nay chỉ dùng được tối đa từ 3 đến 5 màu chỉ, sau đó dùng bút dạ tán màu để tiết kiệm chi phí sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm bị phai màu sau nhiều năm sử dụng. Tôi luôn tâm niệm rằng để ra đời được những sản phẩm chất lượng phải cần dùng đến hàng trăm màu chỉ - như vậy thì người thợ mới có thể 'luồn lách', mới truyền tải được 'hồn' tranh, và mới giữ được cái 'danh' của làng nghề trăm tuổi," nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục tâm đắc.
Chính nhờ cái "hồn", cái tâm làm nghề và đôi bàn khéo léo của người "vẽ tranh bằng chỉ" mà cho dù phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng mới, giá thành rẻ thì tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục nói riêng và tranh thêu làng Bình Lăng nói chung vẫn không bị lép vế trên thị trường. Gần đây nhất, bức tranh thêu tay với chủ đề "Bến thuyền Vịnh Hạ Long" của ông đã đoạt giải Nhì toàn quốc trong Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng.
Bức tranh thêu tay 'Bến thuyền Vịnh Hạ Long' của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam vào năm 2008; danh hiệu Nghệ nhân thành phố Hà Nội vào năm 2011; danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2020... Những nỗ lực của ông đã góp phần củng cố một thương hiệu về làng nghề thêu tay truyền thống trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trăn trở với nghiệp truyền thống
Như bao làng nghề truyền thống khác tại nước ta, làng nghề thêu truyền thống Bình Lăng đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi nhiều lý do. Hiện nay, hầu hết nghề thêu tại các làng nghề Thường Tín đều gặp phải khó khăn do sự áp đảo của dòng tranh thêu máy.
"Những năm gần đây, thêu tay truyền thống phải cạnh tranh với máy thêu của Trung Quốc ngay trên 'sân nhà.' So với thời huy hoàng của làng Bình Lăng (giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2005) có khoảng 200/500 người dân làm nghề thêu thì hiện tại chỉ còn khoảng 50 thợ duy trì được nghề thêu tay, một số cơ sở khác đã chuyển sang thêu máy để phục vụ nhu cầu của khách hàng, trang trải cuộc sống. Thêu máy tuy giảm được ngày công nhưng sản phẩm có chất lượng thấp, làm mất đi 'cái hồn' trong bức tranh, mất đi giá trị truyền thống của làng nghề," nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục tâm sự.
Thời gian đào tạo kéo dài nhưng thu nhập lại thấp khiến nghề thêu tay dần thiếu hụt nhân lực. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền đã có những chính sách, chủ trương như tuyên truyền, hỗ trợ mở các trường, lớp đào tạo nghề để thu hút lao động trẻ. Tuy nhiên, phần lớn các lớp học chỉ đào tạo trong ba tháng - thời gian theo ông Dục là quá ngắn đối với nghề thêu.
"Để có một bức tranh thêu tay truyền thống, người thợ phải trải qua một đến vài năm tỉa tót từng sợi chỉ, trong đó giai đoạn chỉnh sửa tranh (hậu kỳ) mất nhiều thời gian nhất. Tranh thêu tay vẫn có thể bán được trên thị trường, nhưng để tìm được bức tranh thêu 'có hồn' thì không đơn giản. Nếu người thợ được đào tạo trong ba tháng thì chỉ có thể cho ra được các sản phẩm 'hàng chợ.' Bởi vậy, nhiều học viên sau khi được đào tạo đều bỏ nghề do thu nhập thấp, không tương xứng với thời gian và công sức đã bỏ ra," ông Dục cho biết.
Là Phó chủ tịch Hiệp hội thêu ren thành phố Hà Nội từ năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cùng chính quyền địa phương huyện Thường Tín đang ấp ủ dự định kết hợp việc phát triển làng nghề với du lịch giúp quảng bá thương hiệu thêu tay Bình Lăng. Thời gian tới, xã Thắng Lợi sẽ xây dựng nhà thờ tổ nhằm lưu giữ và khôi phục những giá trị của nghề thêu truyền thống.
Với mỗi người dân làng Bình Lăng, thêu tay truyền thống không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là môn nghệ thuật vô giá. Trải qua nhiều thăng trầm, từng có thời điểm xã Thắng Lợi có hơn 80% gia đình theo nghề, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30% gia đình giữ nghề truyền thống. Đây cũng là những gia đình có nghệ nhân tâm huyết, giữ nghề không chỉ làm kinh tế mà còn để truyền lại những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau./.
Theo Việt Anh (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dau-xuan-lang-nghe-tam-su-cua-nguoi-giu-nghe-ve-tranh-bang-chi/841420.vnp