Các loại thực phẩm lên men có nhiều lợi ích sức khỏe khi kết hợp vào các bữa ăn hàng ngày. Trong mâm cơm ngày Tết, dưa hành không những làm cho các món ăn thêm trọn vị mà còn giúp bạn dễ tiêu hóa hơn do chứa nhiều probiotic có lợi.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm lên men làm tăng sự đa dạng của hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, có thể cải thiện sự đa dạng tổng thể của vi sinh vật đường ruột của bạn.
Việc cải thiện hệ vi sinh vật và hệ miễn dịch giúp giảm viêm có liên quan đến các bệnh như bệnh celiac và bệnh viêm ruột, cũng như các bệnh viêm khớp dạng thấp và ung thư. Các loại thực phẩm lên men như kombucha, Kefir, kim chi, dưa muối, hành muối, củ kiệu muối và sữa chua là một nguồn bổ dưỡng và giàu probiotics, là vi khuẩn tốt mà cơ thể cần.
1. Lợi ích của thực phẩm lên men
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ vi sinh đường ruột cân bằng sẽ đóng góp đến 80% tình trạng miễn dịch của cơ thể. Hệ vi sinh đường ruột là hàng rào bảo vệ sức khỏe của con người, tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật. Khi hệ miễn dịch suy giảm, con người dễ nhiễm bệnh, hay ốm vặt hơn.
Quá trình lên men thực phẩm sẽ tạo ra nhiều vi khuẩn và nấm men có lợi cho sức khỏe đường ruột. Các loại rau lên men như dưa cải hoặc hành tím ngâm chua chứa nhiều lợi khuẩn và enzym tiêu hóa tốt.
Các loại thực phẩm lên men khá quen thuộc và dễ dàng kết hợp các món ăn.
Các thực phẩm lên men thường chứa một lượng lớn lợi khuẩn đường ruột Lactobacillus acidophilus còn gọi là probiotic.
Probiotics giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tối ưu và bảo vệ các tế bào trong ruột của bạn để bảo vệ chúng khỏi bị hư hại.
Công việc của probiotic là chống lại vi khuẩn xâm nhập và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật.
Các lợi ích sức khỏe của thực phẩm lên men là rất lớn:
-
Cải thiện tiêu hóa
-
Giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng
-
Hỗ trợ trị sâu răng và viêm lợi
-
Quản lý bệnh đái tháo đường
-
Giảm các triệu chứng dị ứng
-
Giảm mức cholesterol
-
Điều trị táo bón và đầy hơi
-
Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
-
Có lợi cho người bị hội chứng ruột kích thích
-
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư ruột kết
2. Món dưa hành trong mâm cỗ Tết
Ngày Tết, khi ăn các món ăn giàu đạm, nhiều chất béo như bánh chưng, giò, thịt nấu đông,… rất giàu năng lượng dễ xảy ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, có thể dẫn đến mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
Theo PGS. Nguyễn Thị Lâm, để giải quyết tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ấm ách sau khi ăn, trong những ngày Tết, ngoài việc chú ý ăn cân đối các nhóm thực phẩm, có thể ăn thêm các loại thực phẩm lên men như dưa muối, hành muối nhằm tăng cường nhu động ruột, kích thích tiêu hóa.
Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của Việt Nam.
Đĩa dưa hành chiếm một vị trí rất nhỏ trong mâm cỗ Tết, nhưng giá trị của nó không hề "lép vế", nó cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng.
Không những thế, các món này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của món ăn, giúp ngon miệng hơn.
Một lọ dưa hành muối sẽ giúp cân bằng vị, chống ngấy trong mâm cỗ nhiều thịt mỡ, bánh chưng ngày Tết. Vị chua ngọt của hành muối chua có thể giúp bạn no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn đường thường xảy ra vào buổi chiều muộn.
3. Lưu ý khi ăn dưa hành ngày Tết
Để chế biến món dưa hành sử dụng một lượng khá lớn muối và đường, đây là 2 thành phần mà bạn nên lưu ý. Đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Ngoài ra, do hàm lượng axit cao, những người ăn nhiều đồ muối chua có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn.
Dưa hành có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người bình thường không nên ăn quá 3 lần mỗi tuần vì tính chất cay, nóng của hành sẽ có thể làm cho bạn bị kích ứng. Người có sẵn bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên hạn chế ăn dưa hành vì hàm lượng muối cao có thể làm tăng huyết áp.
Món dưa hành giúp chống ngán ngày Tết.
Món dưa hành được làm bằng cách ngâm nguyên liệu vào nước muối pha loãng từ 2-5% muối. Trong khoảng thời gian 1-2 tuần, các vi khuẩn tự nhiên tạo ra axit lactic, axit này ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và các vi sinh vật gây hư hỏng khác.
Để muối dưa hành ngon, bạn nên căn lượng muối vừa đủ, nếu cho không đủ muối dưa sẽ không lên men được. Còn cho dư muối, đường, dưa bị mặn hoặc ngọt quá rất khó ăn. Dụng cụ dùng để muối dưa cần được tiệt trùng và lau khô để tránh nhiễm khuẩn gây nổi váng khiến dưa hành bị "khú", không ngon.
Khi dưa hành đã ăn được, bạn nên dùng dụng cụ sạch khô để gắp. Ăn đến đâu gắp ra đến đó, có thể cho vào lọ đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh được lâu hơn.
Theo Thiên Châu/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/loi-ich-cua-thuc-pham-len-men-va-mon-dua-hanh-ngay-tet-169230115210636435.htm