Ngân hàng Nhà nước đã giải khá thành công "bài toán" lựa chọn giữa ổn định tỷ giá hay ổn định lãi suất, tung ra loạt công cụ chính sách mang tính đặc biệt để ổn định thị trường tiền tệ trong nước như điều chỉnh biên độ tỷ giá… trong năm 2022. Tuy nhiên, sang năm 2023, bài toán lãi suất thêm nhiều yếu tố bất định mới cần được giải quyết.
Với bối cảnh của năm 2023, giới chuyên gia nhận định, việc có hay không nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục là bài toán khó.
Trong nhiều báo cáo dự báo kinh tế mới công bố đầu năm 2023, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Bên cạnh đó, mặc dù thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định, tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.
Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2%, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.
(Ảnh minh họa - KT)
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá: “Với những diễn biến trong nước và thế giới như hiện nay, tôi cho rằng chúng ta bình tĩnh, yên tâm hơn vì chúng tôi dự báo sắp tới FED tăng lãi suất nhưng sẽ dịu dần”.
Dựa trên các yếu tố bất lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%. Về lãi suất, hiện nay mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với thời gian cao điểm đại dịch Covid-19.
Hơn nữa, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.
“Việc giảm lãi suất trong năm 2023 là nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với ban lãnh đạo Ngân hành Nhà nước duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng” - TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Trong diễn biến mới nhất, từ đầu tháng 2, hàng loạt ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Sacombank, MB, Lienvietpostbank… đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm. VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank. Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng.
Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất. Từ ngày 10/2, MB giảm 1% lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ. Trước đó, ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng có chương trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng VP Bank dành ra nguồn vốn 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng VP Bank cho biết: “Chúng tôi dành ra nguồn vốn 7000 tỷ đồng để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn, nguồn vốn 7000 tỷ đồng này được cung cấp với mức lãi suất giảm từ 0,5%-1,5% dành cho doanh nghiệp ở mọi quy mô, kể cả siêu nhỏ, vừa và nhỏ”.
Dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý II năm nay, sau đó có thể giảm đáng kể khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất. Đây cũng là điều Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, Việt Nam khó có thể đi ngược lại dòng chảy chung.
Thách thức này đã được nhận diện rõ, vấn đề lúc này là đối sách để ứng phó. Chủ động, linh hoạt để thích ứng từng diễn biến thị trường và quyết tâm đặt mục tiêu duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định, chấp nhận được là định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước./.
Theo Bảo Ngọc/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/xu-huong-lai-suat-dieu-hanh-va-lai-suat-cho-vay-nam-2023-se-ra-sao-post1004136.vov