Khác với nhiều năm trước, năm 2023, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh mở rộng là nơi giao lưu gặp gỡ, nơi thể hiện niềm đam mê của các tài tử đờn, tài tử ca với Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Tiết mục biểu diễn của Ban đờn ca tài tử tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Hàng năm, tại Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh mở rộng.
Khác với nhiều năm trước (là cuộc thi giữa các đơn vị), năm 2023, Liên hoan là nơi giao lưu gặp gỡ, nơi thể hiện niềm đam mê của các tài tử đờn, tài tử ca với Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nơi thể hiện niềm đam mê
Tại vùng đất Cần Đước, cách đây trên trăm năm, nghệ nhân-nhạc sư Nguyễn Quang Đại (một nhạc quan của triều đình Huế) đã dừng chân, sinh sống và dạy nhạc vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Ông cùng với các nghệ nhân, nhạc sỹ chỉnh lý, bổ sung và hoàn chỉnh 20 bài bản tổ, sáng tác 8 bài ngự và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò. Ông là người có công rất lớn trong việc gây dựng và phát triển nền âm nhạc tài tử Nam Bộ độc đáo.
Để quảng bá, tôn vinh bộ môn nghệ thuật này, đồng thời tỏ lòng thành kính, tri ân nghệ nhân-nhạc sư Nguyễn Quang Đại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cần Đước tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An mở rộng nhân húy kỵ Nghệ nhân-nhạc sư Nguyễn Quang Đại (ngày 16 tháng Giêng).
Sau 2 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19, Liên hoan năm nay có sự tham gia của 12 ban đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh với gần 150 nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca. Tài tử ca Trà Thanh Nhàn, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết lần đầu được tham gia Liên hoan nhân ngày húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, chị thấy hạnh phúc, vinh dự, hồi hộp và xúc động.
Dù đi hát từ năm 2007 nhưng chị chủ yếu hát Cải lương bởi hát Đờn ca tài tử khó hơn, cần độ chính xác cao, hát phải đúng. Liên hoan là nơi giúp những nghệ nhân như chị học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, thể hiện tình yêu, niềm đam mê đối với Di sản văn hóa dân tộc.
Tài tử đờn Lâm Diễm Trinh, Ban đờn ca tài tử tỉnh Bình Thuận năm nay 24 tuổi, nhưng đã có gần 10 năm học và chơi đàn tranh. Được xem là thế hệ kế thừa những tài tử ca của Ban đờn ca tài tử tỉnh sau này, Diễm Trinh cảm thấy vô cùng tự hào và cố gắng sống hết mình với Đờn ca tài tử.
Diễm Trinh cho biết được tham gia Ban đờn ca tài tử của tỉnh, chị có điều kiện học hỏi các cô chú, anh chị đi trước. Từ trước đến nay, chị chỉ mới tham gia liên hoan cấp xã, huyện. Được tham gia cấp tỉnh là cơ hội tốt giúp thế hệ đi sau như chị học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Đước Nguyễn Minh Vương cho biết Liên hoan trở thành ngày hội văn hóa truyền thống của giới Đờn ca tài tử trong khu vực suốt 27 năm qua. Lãnh đạo địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để Liên hoan Đờn ca tài tử thành công tốt đẹp. Đây là dịp để nối kết bền chặt tình cảm giữa huyện Cần Đước với bạn bè, du khách gần xa trong giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế.
Giữ gìn và phát huy Di sản văn hóa dân tộc
Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ với sự có mặt của nghệ nhân-nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người đã đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng, góp phần giữ gìn và phát huy di sản chung của dân tộc.
Là thành viên Ban đờn ca tài tử tỉnh Long An, tài tử ca Huỳnh Lý, sinh năm 1995, hiện là giáo viên trường Tiểu học Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Từ khi học Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị đã nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát bằng việc tham gia các lớp học ngoại khóa do thầy, cô Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tốt nghiệp Đại học, chị tiếp tục ở lại học thêm và trau dồi bộ môn nghệ thuật này. Chị được tuyển chọn vào Ban Đờn ca tài tử tỉnh Long An từ năm 2021. Huỳnh Lý cho biết do cha mẹ rất mê vọng cổ nên chị được nghe, tiếp xúc và nuôi dưỡng tình yêu với loại hình nghệ thuật này từ nhỏ.
Theo Ban tổ chức, các đơn vị tham gia Liên hoan năm nay thể hiện năng lực nghệ thuật theo tinh thần giao lưu học hỏi, cống hiến cho giới thưởng ngoạn và quần chúng nhân dân những nét tinh túy, tuyệt kỹ nhất của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần nâng cao chất lượng của Liên hoan.
Tiết mục biểu diễn của Ban đờn ca tài tử quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An, Trưởng Ban tham vấn Liên hoan cho biết chất lượng Liên hoan năm nay được nâng lên. Các đội có trình độ ngang nhau. Lực lượng kế thừa phát triển. Đó là dấu hiệu đáng mừng từ khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An, do diễn ra nhân Ngày giỗ của nghệ nhân-nhạc sư Nguyễn Quang Đại, các đội đã chọn các vở với nhiều nội dung hay, hình thức tốt được đầu tư, chuẩn bị chu đáo từ trang phục đến nhạc cụ để dâng lên báo công Tổ nghiệp. Tham gia Liên hoan năm nay, đa số các tài tử đờn trẻ tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, được đào tạo bài bản về chơi nhạc cũng như kỹ năng trình diễn.
Tại Long An, phong trào Đờn ca tài tử luôn phát huy thế mạnh và luôn được chính quyền quan tâm phát triển lực lượng kế thừa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu tỉnh cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn xây dựng phong trào tại cơ sở.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan ở cơ sở về Đờn ca tài tử, thu hút nhiều đối tượng tham gia; đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, tập huấn, giao lưu, tọa đàm, phát hành đĩa đờn ca tài tử; tổ chức các cuộc thi sáng tác bài ca tài tử, hướng dẫn sách dạy và học về tài tử...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Anh Dũng cho rằng, thời gian tới, địa phương cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào học đường, ban hành chủ trương chung cho 21 tỉnh, thành phố phía Nam cùng thực hiện đồng bộ.
Bên cạnh đó, Long An tạo điều kiện cho những nghệ nhân giỏi nghề của 21 tỉnh, thành phố được góp mặt, giao lưu văn hóa dân tộc nhân các sự kiện trong và ngoài nước; phát hành CD và in ấn sách chuẩn về 20 bài bản tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Tỉnh xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong các quy định đã ban hành, có chính sách đãi ngộ cho những nghệ nhân nòng cốt có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ giữ vững tinh thần và ngọn lửa đam mê để thực hành tốt công tác bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc.
Theo Đức Hạnh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/giu-gin-va-phat-huy-di-san-van-hoa-dan-toc-don-ca-tai-tu/848647.vnp