Vừa qua vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu tại một nhóm trẻ không phép tại huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội bạo hành dẫn đến tử vong sau chỉ vài ngày đi học đã khiến dư luận phẫn nộ.
Trước đó, cũng đã từng xảy ra nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, nhiều trường hợp lại xuất phát từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát. Những vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh mà còn với cả cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát.
Là một huyện công nghiệp, nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh nhất là con em công nhân rất cao, chính vì vậy trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã có nhiều cơ sở Mầm non độc lập tư thục được thành lập. Hầu hết các em ở những nhóm trẻ này là con công nhân. Trung bình mỗi nhóm lớp sẽ có khoảng 20 trẻ nhưng chỉ có 1 cô giáo đảm nhận từ việc chăm sóc, giáo dục trẻ cho nên giáo viên chịu rất nhiều áp lực đòi hỏi phải có kỹ năng và tình yêu trẻ, yêu nghề.
Các cơ sở Mầm non tư thục hoạt động sẽ giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở Mầm non công lập rất nhiều, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động tại Khu công nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ công tác giảng dạy ở hầu hết các cơ sở này chưa đảm bảo, nhiều cơ sở chưa có camera giám sát. Vì vậy, hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Bình Xuyên đều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động, yêu cầu các Trường mầm non công lập phải có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở mầm non tư thục nằm trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những nhóm trẻ tư thục tự phát không được cấp phép đang hoạt động dẫn đến tình trạng mất an toàn đối với trẻ, đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra giám sát của chính quyền các địa phương và các ngành chức năng./.
Thu Hoài