Qua hơn 20 năm thực hành trong nước, nghệ thuật trình diễn vẫn là bộ môn mới mẻ, non trẻ, ít được ủng hộ. Tuy chưa được đào tạo, giảng dạy bài bản, chính quy tại các trường nghệ thuật hay bảo tàng, nhưng các nghệ sĩ trình diễn vẫn đang thực hành sáng tạo, mở rộng cơ hội tiếp xúc, trao đổi, giao lưu học hỏi trong khu vực và toàn cầu.
Một buổi biểu diễn tại không gian Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội. (Ảnh VCCA)
Không thu hút quá đông người quan tâm, workshop trình diễn Sự mơ hồ giữa không gian, thời gian và sự hiện hữu do Trung tâm Bảo trợ và phát triển nghệ thuật APD (APD Center) tổ chức dành cho nghệ sĩ, người thực hành trình diễn trẻ được giao lưu, trao đổi thông tin về nghệ thuật trình diễn. Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Nhật Bản Seiji Shimoda và Seelan Palay đến từ Singapore và dự án Hay là từ Việt Nam - một nền tảng tập trung vào nghệ thuật trình diễn Việt Nam, các học viên được hướng dẫn các kỹ năng trình diễn, khai thác yếu tố không gian, thời gian, vật liệu, hành vi, cảm xúc.
Buổi thực hành này cũng là một phần trong chương trình Mở kho tư liệu Liên hoan nghệ thuật trình diễn Lim Dim 2004 thuộc Dự án Thư viện nghệ thuật APD - nơi tập hợp, phục hồi, lưu trữ và chia sẻ các tư liệu, thảo luận về nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam.
Một buổi thực hành nghệ thuật trình diễn tại APD Center (Hà Nội).
Với sự biến chuyển của xã hội, nghệ thuật trình diễn trở thành ngôn ngữ quan trọng của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự hiểu biết về nghệ thuật trình diễn rộng rãi hơn và dần được công chúng biết đến và đón nhận, hỗ trợ. Cách thức trình diễn theo nhóm xuất hiện, cách thực hành tiếp cận gần với sân khấu, phát triển ra khỏi các không gian bó hẹp và tiếp cận môi trường số.
Nguyễn Phương Linh (nghệ danh Flinh), nghệ sĩ ý niệm, sinh năm 1995, là một trong 26 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi có mặt trong danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam.
Từng theo học hội họa tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Flinh bắt đầu thử nghiệm nghệ thuật đương đại từ năm 2016 với các thực hành về sắp đặt, trình diễn. Tham gia nhiều triển lãm trình diễn trong nước và quốc tế, Flinh cho biết, trong nghệ thuật trình diễn, nghệ sĩ không giao tiếp với người xem thông qua một bức tranh hay một pho tượng. Họ phản ứng, tương tác với công chúng qua cơ thể của chính mình, truyền đạt thông điệp và kết nối với những người chung quanh thông qua hành vi.
Tác phẩm của nghệ sĩ xuất phát từ câu chuyện cá nhân, từ các vấn đề nội tại của xã hội. Bởi vì không có kịch bản, nên nghệ sĩ phải dấn thân, chịu trách nhiệm với tất cả rủi ro, mạo hiểm khi bước ra khỏi không gian khép kín, bước vào đời sống, đối diện và đón nhận mọi sự tương tác của người xem. Vì vậy mà nghệ thuật trình diễn có sự trung thực vì không thông qua bộ lọc của ngôn ngữ hay hình ảnh, đường nét. Mọi thứ diễn ra vào ngay thời điểm hiện tại, trước mắt và tác động đến sáu giác quan, đó cũng là sản phẩm duy nhất. Việc thực hành nghệ thuật trình diễn không chỉ giúp Flinh chạm được đến trạng thái thiền định, mà giúp cô khám phá các khả năng của bản thân, đối mặt với thách thức khi đối diện với người chung quanh.
Cho đến nay, nghệ thuật trình diễn vẫn gây ra nhiều tranh cãi bởi nó luôn tương tác, thể hiện thái độ hoặc phản ứng của người trình diễn với các vấn đề xã hội. Nghệ sĩ trình diễn và người chung quanh đều sẵn sàng đón nhận những tương tác bất ngờ, đa chiều. Vì thế, cách thể hiện một vài tác phẩm trình diễn đôi khi khá lập dị, cực đoan, kỳ quặc nên trình diễn bị coi là nghệ thuật bên lề, không chính thống.
Phương tiện biểu đạt bằng cơ thể với tính ứng biến đa dạng, khó bị kiểm soát bởi không gian, thời gian, không có quy chuẩn hóa nên một số triển lãm, trình diễn mang tính ngẫu hứng đã từng bị dừng trình diễn giữa chừng. Nghệ thuật trình diễn không nằm trong sự quản lý của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hay Cục Nghệ thuật biểu diễn, vì vậy, việc trình diễn đôi khi diễn ra “du kích”, chớp nhoáng bởi bản chất của nghệ thuật trình diễn là ngẫu hứng, không có kịch bản, sẵn sàng đón nhận sự tương tác, phản ứng của công chúng.
Vì vậy, trải qua hơn 20 năm có mặt ở Việt Nam, đã đến lúc nghệ thuật trình diễn cần được định vị cũng như định hướng trong dòng chảy sáng tạo. Cần xây dựng cơ chế quản lý cũng như hệ thống quy chuẩn để nhận diện nghệ thuật trình diễn một cách thấu đáo, có hệ thống lý thuyết, thư viện lưu trữ, bảo tàng, cơ sở đào tạo trong các trường đại học một cách bài bản. Việc tổ chức các tour nghệ thuật, workshop tại các trung tâm nghệ thuật đương đại như Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), APD, Trung tâm nghệ thuật The outpost cũng đang là hướng tiếp cận nhanh nhất góp phần giới thiệu và chia sẻ về nghệ thuật trình diễn đến những người yêu mến nghệ thuật đương đại.
Theo NGỌC LIÊN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dinh-vi-nghe-thuat-trinh-dien-trong-dong-chay-sang-tao-post743289.html