Giá thép tiếp tục được các thương hiệu điều chỉnh tăng, bất kể nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Cùng đó là sự suy giảm của thị trường bất động sản, các công trình xây dựng.
Khảo sát tại các đại lý sắt thép tại Hà Nội, giá thép đã liên tục tăng cao những ngày qua, được bán ra sát mức 18 triệu đồng/tấn và đang tiến sát mức đỉnh của thời điểm giữa năm 2022.
Anh Hoàng Cương, chủ đại lý sắt thép tại Tam Trinh - Hà Nội cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép đã có tới 7 lần tăng giá, với tổng mức tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép nhập vào từ các đơn vị sản xuất ở mức 17,2 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân được anh Cương cho biết, các nhà máy đưa ra là do giá phôi thép và nguyên vật liệu đều tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng theo, đưa giá sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh như thời điểm này của năm 2022 trước.
"Thị trường rất dễ sẽ diễn biến như thời điểm năm 2022, khi giá thép có lúc được bán ra lên tới 20 triệu đồng/tấn. Giá tăng như vậy, bản thân các đại lý cũng rốt ráo nhập hàng liên tục để bán nhưng thú thực, lượng bán ra không nhiều", anh Hoàng Cương nói.
Lần tăng giá mới đây nhất rơi vào ngày 20/3 vừa qua với mức tăng khoảng 150.000 đồng/tấn. Hiện giá sắt thép tại các đại lý bán ra đã vượt ngưỡng 17,5 triệu đồng/tấn và tiến sát 18 triệu đồng/tấn. Mức giá này tăng khoảng 10% so với cuối năm 2022 nhưng so với mức đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/tấn hồi năm ngoái, vẫn thấp hơn khoảng 12%.
Hiện mức giá thép cuộn khu vực miền Bắc vào khoảng 17,7 triệu đồng/tấn, tại miền Trung đã tăng lên mức 17,8 triệu đồng/tấn, tùy tiêu chuẩn; còn tại khu vực miền Nam, giá bán thép cũng tăng lên 17,6 triệu đồng/tấn, tùy loại.
Chia sẻ từ đại diện một doanh nghiệp ngành thép cho hay, thị trường đang rất khó khăn trong thời điểm này, lượng tiêu thụ từ các công trình xây dựng, bất động sản thấp, trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao như than, thép phế, cuộn cán nóng, nhiều loại nguyên liệu cũng khan hiếm. Vì vậy, giá bán được nâng lên để giảm thua lỗ.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá bán thép thành phẩm vẫn đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.
Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/3/2023 giao dịch ở mức khoảng 331 USD/tấn FOB, tăng 6 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận vào cuối quý 1/2022 và đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022.
Đối với thép phế liệu, trong những ngày đầu tháng 3/2023 có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 7/3/2023 giữ ở mức 448 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/3/2023 ở mức 643 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng 24 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2023 vừa qua, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ đạt 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Dù sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, nhưng mức chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lên tới hơn 400.000 tấn. Với tình hình hiện nay, giá thép tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng tới.
Anh Lê Công Định, nhà thầu xây dựng tại Bạch Mai - chuyên thi công các công trình nhà ở cho hay, diễn biến giá thép đã được dự báo từ trước nên đơn vị khi báo giá cho khách hàng đều phải tính dự phòng khoản tăng giá vật liệu xây dựng, bởi không chỉ sắt thép, xi măng, cát sỏi… cũng tăng theo. Nếu không dự báo tốt, nhà thầu có thể bị lỗ phần chênh lệch giá này. Cùng đó, giá tăng cao khiến chi phí xây dựng bị đội lên nhiều, chủ đầu tư cũng trì hoãn để nghe ngóng hoặc chờ giá giảm hơn, nếu có xảy ra vào cuối năm nay.
Tập đoàn Hòa Phát cho hay, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Sang năm 2023, thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan.
Cụ thể, thép xây dựng đạt 282.000 tấn, giảm 37% so với tháng 2/2022. HRC của Hòa Phát ghi nhận 186.000 tấn, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1/2023 nhưng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Với sản phẩm hạ nguồn HRC, ống thép Hòa Phát tiêu thụ 54.000 tấn, giảm 31%; tôn mạ các loại đạt gần 27.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép nhận định, năm nay giá thép có thể sẽ không đạt mức đỉnh như năm 2022, nhưng xu hướng tiếp tục tăng là có, bởi nhu cầu thực tế là không nhiều. Sản xuất và tiêu thụ ngành thép phụ thuộc lớn vào việc triển khai xây dựng các dự án bất động sản, cầu đường… Nhưng thời gian qua, các dự án đều đang khá ảm đạm. Ngành thép năm nay dự báo sẽ không có tăng trưởng.
Thời gian qua, Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra sự phục hồi cho ngành thép trong nước, khi mảng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng sang thị trường này của nhiều doanh nghiệp bằng không. Dù vậy, kỳ vọng rằng, việc giải ngân đầu tư công của Chính phủ trong thời gian tới sẽ phần nào giúp thị trường bất động sản, xây dựng thời gian tới ấm lên, ông Sưa cho hay.
Theo Đức Dũng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-thep-co-xu-huong-tang-cao-du-tieu-thu-am-dam-20230322144231354.htm