Cập nhật: 23/03/2023 07:42:00
Xem cỡ chữ

EVN và các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới ký văn bản, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất hơn 4.676 MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp). Trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất.

Trước đó, với tinh thần khẩn trương và chủ động bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án chuyển tiếp, ngày 20/3, EVN đã tổ chức Hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp. Tại hội nghị, đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã trình bày làm rõ các nội dung yêu cầu theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.

gia dien nang luong tai tao chuyen tiep phai duoc thong nhat truoc 31 3 hinh anh 1

Hiện có 34 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất.

Cụ thể, sau khi EPTC có văn bản gửi chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ, nhưng đến ngày 20/3/2023 mới chỉ có duy nhất 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.     

Trong quá trình thảo luận, đại diện một số chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề về cơ chế chính sách, các hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai.

Bởi với mức giá trần mới thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm, các nhà đầu tư quan ngại rủi ro lớn cho các nhà máy đã hoàn thành, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc T&T Group nêu thực tế, DN đã đầu tư vào dự án điện gió rất lớn với mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng/tuabin, nhưng hơn 1 năm nay vẫn chưa được huy động công suất.

Trong khi, EVN đang phải nhập khẩu điện với giá cao hơn giá trần (6,95 cent/kWh). Để tránh lãng phí, bà Bình đề xuất trước mắt cần có phương án huy động ngay sản lượng điện của các nhà máy đã hoàn thành đầu tư xây dựng, với mức giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các Chủ đầu tư dự án cũng như EVN cần tiếp tục triển khai theo đúng các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành trong quá trình đàm phán.

Đại diện EVN mong muốn, Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và các chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán. Riêng về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn, các chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN    

 https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-dien-nang-luong-tai-tao-chuyen-tiep-phai-duoc-thong-nhat-truoc-313-post1009101.vov