Cập nhật: 26/03/2023 09:16:00
Xem cỡ chữ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về việc bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn.

​Kien quyet xu ly ngan hang co tinh

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện nay, việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã trở nên phổ biến và phát triển nhanh, mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay đã có phát sinh tình trạng cán bộ ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, không đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, gây không ít phiền hà cho người vay vốn.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về việc bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn.

Cụ thể, khi tiếp nhận thông tin phản ánh thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh sẽ làm rõ thông tin, chứng cứ, cử cán bộ làm việc với tổ chức tín dụng bị phản ánh và tổ chức thanh tra, kiểm tra (nếu cần thiết) nhằm xác minh thông tin phản ánh.

Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Xuân Hiền nhấn mạnh.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh cũng thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm và đưa nội dung thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm vào nội dung thanh tra tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 44 tổ chức tín dụng, bao gồm 23 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 Quỹ tín dụng nhân dân, với tổng cộng 127 điểm hoạt động kinh doanh.

Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 3/2023 đạt 88.900 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm và tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2022.

Dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 70.100 tỷ đồng, tăng 4,4% so đầu năm, tăng 9,4% so cùng kỳ, chiếm 78,9% tổng dư nợ; trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 4,3% so đầu năm, tăng 5,4% so cùng kỳ, với 1.016 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 0,3% so đầu năm, tăng 12,6% so cùng kỳ, chiếm 15,7% tổng dư nợ.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm; về hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp (theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động trên, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ, làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được nguồn vốn vay; xử lý và trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể, nhằm tạo sự minh bạch./.

Theo Thanh Tân (TTXVN/Vietnam)

https://www.vietnamplus.vn/kien-quyet-xu-ly-ngan-hang-co-tinh-ep-nguoi-vay-von-mua-bao-hiem/853418.vnp