Cập nhật: 30/03/2023 09:45:00
Xem cỡ chữ

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình.

Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc vừa là trách nhiệm vừa là mục tiêu của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội.

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với cả nước, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình tự nguyện, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Các phong trào, hoạt động để góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm được triển khai sâu rộng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... Các mô hình “Can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình”, Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”… ngày càng được nhân rộng. Cùng đó các gia đình tập trung phát triển kinh tế, chú trọng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống có trách nhiệm, hiếu thuận với cha mẹ; tích cực thực hiện bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ngay từ đầu năm, UBND thị trấn đã xây dựng Kế hoạch triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, các tổ dân phố. Thứ nhất là tuyên truyền, vận động cho toàn thể Nhân dân nắm được Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Thứ 2 là tuyên truyền để các gia đình gắn với tình yêu quê hương, đất nước từ đó làm thấm nhuần tư tưởng của mỗi con người.

Nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, phòng chống tệ nạn xã hội, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tam Đảo đã nhân rộng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, từ đó lan tỏa sâu rộng, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Năm 2002, câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ được duy trì hoạt động đều đặn, hiệu quả, trở thành nơi để các thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, gìn giữ và xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Câu lạc bộ đã tập trung vận động người dân nêu cao tinh thần tố giác về các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, từ đó, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giúp các thành viên trong gia đình gắn bó, yêu thương nhau hơn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo có 8 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” và 2 câu lạc bộ “Cha mẹ và con gái”. Các câu lạc bộ trên địa bàn huyện đều tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề từng tháng, từng quý và thường xuyên gắn với các phong trào thi đua. Các cuộc vận động như: "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các Câu lạc bộ phát huy hiệu quả trong việc xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Thực tế cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu, có lối sống đẹp và tích cực đóng góp cho cộng đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Toan và ông Nguyễn Văn Thắng, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên nhiều năm nay được đánh giá là gia đình văn hóa tiêu biểu. Cùng là công nhân Nông trường Tam Đảo trước đây, sau khi kết hôn cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn song dưới mái nhà chung, ông bà đã đồng lòng cùng nhau vượt qua, nuôi con ăn học, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, hai con của ông bà đã thành đạt, các cháu của ông bà chăm ngoan, các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh với những khó khăn vất vả riêng nhưng các thành viên trong gia đình cần phải dành cho nhau sự quan tâm, sắp xếp hợp lý công việc, chia sẻ trách nhiệm cùng nhau để nỗ lực vươn lên, giữ cho gia đình luôn đầm ấp, hạnh phúc, luôn chú ý phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Một gia đình hạnh phúc, hoà thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển tích cực. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự "no ấm, bình đẳng, tiến bộ" mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.

Gia đình là tế bào của xã hội. Do đó, để xây dựng một xã hội hạnh phúc phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn./.

Thúy Hơn