Bạn bè Italy và quốc tế có mặt tại Lễ khai mạc “Năm Việt Nam-Italy 2023” đã đi từ ngạc nhiên, thích thú đến dâng trào với màn biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài và các sản phẩm tơ lụa Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng phát biểu tại buổi "Silk Talk." (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và Vietnam Silk House tổ chức chương trình “Hành trình kết nối di sản” để đưa lụa và thời trang Việt đến với công chúng Italy qua các buổi biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài và các sản phẩm tơ lụa Việt và chương trình “Silk Talk” (Trò chuyện về lụa) với khách mời có cả những nhà thời trang hàng đầu của Italy.
Bạn bè Italy và quốc tế có mặt tại Lễ khai mạc “Năm Việt Nam-Italy 2023” tối 31/3 đã cực kỳ ấn tượng, đi từ ngạc nhiên, thích thú đến dâng trào, với màn biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài, với đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt, và các sản phẩm tơ lụa Việt Nam, được nhà thiết kế Minh Hạnh lấy ý tưởng từ những di sản của Italy trên chất liệu lụa của Vietnam Silk House được thiết kế dành riêng cho sự kiện 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy.
Xuyên suốt chương trình đầy màu sắc là hình ảnh áo dài, nón lá, cây tre, tơ lụa, với những sản phẩm đều được làm từ chất liệu vải lụa tơ tằm thiên nhiên của Việt Nam, qua màn trình diễn mềm mại, uyển chuyển, đầy kinh nghiệm của 30 người mẫu Việt Nam và Italy, thể hiện sự dịu dàng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, khí chất và hiện đại của người con gái Việt.
Không khí tại Mercati di Traiano, trung tâm thương mại đầu tiên trên thế giới, quần thể di tích có từ những năm đầu Công nguyên nằm trong lõi lịch sử của thành phố Rome, dường như dâng trào, khi các bạn bè Italy và quốc tế liên tục vỗ tay để đón nhận từng tiết mục, từng sản phẩm sang trọng và quyến rũ của thời trang lụa Việt, cùng hòa quyện và thấm đẫm tình cảm đối với đất nước và con người Italy.
Người mẫu trình diễn thời trang tại sự kiện khai mạc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Những người tham dự sự kiện như cũng cảm nhận rõ được vẻ đẹp thật sâu lắng, song cũng rất hiện đại của Việt Nam ngày hôm nay. Tơ lụa Viêt Nam như một sợi dây kết nối giữa Italy và Việt Nam trên hành trình di sản. Áo dài và tơ lụa chính là những di sản sống, xuất hiện trong không gian di sản của Rome, thành phố cũng là thủ đô của thời trang thế giới. Sự kết hợp những di sản của Đông và Tây sẽ tạo ra những giá trị mới cho thời đại.
Phát biểu với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Fabio Cassese, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Italy, nói: “Sự kiện thành công trong bối cảnh tuyệt vời này là một minh chứng cho sức sáng tạo và năng lực to lớn của con người Việt Nam trong việc giới thiệu những sản phẩm độc đáo về thời trang, một lĩnh vực có sự liên kết mạnh mẽ với truyền thống của Italy.
Sản phẩm lụa được giới thiệu hôm nay là tuyệt đẹp, mang đầy tính biểu tượng và rất chất lượng. Do đó, tôi chắc chắn rằng đây không chỉ là những sự kiện văn hóa ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương giữa Việt Nam và Italy, mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại giữa hai nước.”
Trước đó, chương trình “Silk Talk” đã được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tối 29/3 để giới thiệu cho các đại diện ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp, các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như giới báo chí Italy không chỉ những sản phẩm của ngành dâu tằm tơ, mà cả lịch sử và kỹ thuật làm lụa tơ tằm của Việt Nam, tạo mối liên kết gần gũi hơn giữa các nhà sản xuất hàng dệt, nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng.
Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu với đại diện Công ty thời trang Fendi về các sản phẩm lụa tơ tằm. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng khẳng định Việt Nam có nghề dệt lụa truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ. Đây là dịp để người châu Âu nói chung và người Italy nói riêng biết thêm về nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên độc đáo này.
Đại sứ Dương Hải Hưng kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để tơ tằm Việt cùng các sản phẩm đi kèm gia nhập thị trường Italy và châu Âu, bởi vì ngoài giá trị về văn hóa, tơ tằm còn mang lại giá trị kinh tế cho hai nước.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh nói: “Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, chúng tôi kể những câu chuyện của tơ lụa và những người chuyên nghiệp nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ rất chuyên nghiệp và họ đã hiểu sâu hơn những giá trị của tơ lụa Việt Nam qua chất lượng và sự phong phú của những sản phẩm.
Tôi mong muốn rằng đường tơ Việt Nam chính là con đường, là hành trình dẫn đến di sản. Áo dài và tơ lụa sẽ là những dấu ấn dẫn chúng ta chạm được đến những di sản bởi vì áo dài và tơ lụa là di sản.”
Chuyên gia Nguyễn Kim Chi, đang làm luận án tiến sỹ nghiên cứu về dâu tằm tơ thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đã hướng dẫn tường tận quy trình tạo ra lụa từ tằm, lá dâu, kén… cũng như các sản phẩm từ tơ tằm Việt.
Những người tham dự sự kiện đã rất thích thú khi lần đầu được thưởng thức hương vị của tằm, hay được hướng dẫn sử dụng kén tằm chăm sóc da, giới thiệu các loại thực phẩm chức năng được làm từ kén tằm hay các loại thức uống bổ dưỡng.
Với thế mạnh về dệt tơ tằm thủ công mà ngành thời trang thế giới còn rất hiếm, lụa tơ tằm từ thủ phủ Bảo Lộc, Lâm Đông của Việt Nam đã nhận được sự yêu thích và đón nhận của các chuyên gia thời trang cùng các đơn vị chuyên nghiệp tại Italy.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bà Elfriede Schallmeine, đại diện quan hệ công chúng của công ty thời trang Fendi, nói: “Tôi tin rằng đây là một sự kiện tuyệt vời bởi vì không chỉ cho thấy sự phát triển hơn nữa của quan hệ giữa hai nước Italy và Việt Nam mà còn là sự khởi đầu cho niềm hy vọng về sự hợp tác mới cho các doanh nghiệp hai nước.
Italy là một quốc gia nổi tiếng về thời trang và tôi tin rằng Việt Nam có rất nhiều khả năng trong sản xuất lụa. Do đó, đây là sự kiện để giúp chúng tôi hiểu biết về thế giới của các bạn, về khả năng của các bạn trong sản xuất lụa, kể cả thông qua các sản phẩm Italy, trong thời trang và các sản phẩm may mặc khác.
Các người mẫu trình diễn thời trang tại sự kiện khai mạc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Việc chứng kiến các công đoạn sản xuất ra lụa từ nuôi tằm, kéo sợi và dệt thành vải, đều là những điều rất hấp dẫn đối với chúng tôi, bởi vì hiện nay chúng ta đã sống trong một thế giới, nơi người ta không còn thấy những cách thức sản xuất truyền thống này nữa. Ngược lại, ở đây chúng tôi thấy được cách thức mà từ hàng trăm năm trước những người thợ đã sử dụng để sản xuất ra lụa.”
Trong khi đó, Tiến sỹ Maria Christina Rigano, chuyên gia truyền thông ngành thời trang nói: “Tôi rất vui mừng được tham dự sự kiện tuyệt vời ngày hôm nay, nơi chúng tôi có thể tận mắt nhìn thấy con tằm được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau, không chỉ để sản xuất ra tơ lụa mà còn được dùng trong chế biến ẩm thực và làm đẹp.
Tôi cho rằng Việt Nam và Italy có sự hội tụ thú vị khi Việt Nam có thể sản xuất ra lụa trong khi tại Italy, chúng tôi lại tạo ra các sản phẩm từ chất liệu bằng lụa. Tôi mong rằng các nhà thiết kế Italy sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, sử dụng chất liệu lụa do Việt Nam sản xuất trong thời gian tới.”
Cùng chung ý kiến trên là ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Vietnam Silk House, đơn vị sản xuất ra nguyên liệu vải tơ tằm và nhiều sản phẩm đi kèm khác như trà, sirô, mỹ phẩm dưỡng da, thực phẩm chức năng, rượu.
Ông Phước nói với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: “Tôi đã mang chuỗi sản phẩm nói về tơ tằm, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế để giới thiệu với bạn bè, để kết nối, bang giao và phát triển kinh tế bền vững cho ngành nghề tơ tằm tại Việt Nam.
Kén tằm được giới thiệu tại buổi trình diễn thời trang tại Mercati di Traiano-Museo dei Fori. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Chúng tôi đã giới thiệu những sản phẩm trong buổi hôm nay và tiếp đó là buổi biểu diễn các sản phẩm thời trang tơ tằm rất truyền thống, mà hiện nay trên thế giới chỉ Việt Nam mới có nhờ những làng nghề lâu năm, lịch sử để lại còn tồn tại và mong qua lần này giới truyền thông, doanh nghiệp thời trang Italy sẽ quan tâm hơn sản phẩm tơ tằm Việt, từ đó có sự kết nối văn hóa, thương mại và du lịch giữa Italy và Việt Nam.”
Việt Nam là nước sản xuất tơ lụa lớn của thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu tơ thô (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Tơ lụa Việt Nam cũng đã khẳng định vị trí của mình trong số các sản phẩm tơ lụa chất lượng hàng đầu thế giới.
Nghề nuôi tằm dệt lụa từ lâu đã trở thành những hoạt động kinh tế truyền thống quan trọng của người dân Việt Nam. Tơ lụa hiện cũng đang là ngành sản xuất mũi nhọn tại nhiều địa phương của Việt Nam, những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất tơ tằm và các sản phẩm từ tằm một cách bền vững.
Người mẫu trình diễn thời trang tại sự kiện khai mạc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italy. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)
Theo Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+) - 3/4/2023
https://www.vietnamplus.vn/to-lua-viet-nam-hoan-toan-chinh-phuc-ban-be-quoc-te-tai-italy/855097.vnp