Lần thứ hai đến Trạm Tấu, sau 7 năm, những homestay đã mọc lên lưng chừng những quả đồi, những thửa ruộng bậc thang. Trước đó, chúng tôi chỉ biết đến cánh đồng bậc thang, đến điệu xòe của người Thái xứ này. Và một sự tình cờ, chúng tôi đã gặp người “thắp lửa” cho phát triển du lịch Trạm Tấu. Anh là một thầy giáo dạy Văn cắm bản, làm du lịch từ những khát vọng mộng mơ nhưng quyết liệt. Đó là anh Vũ Mạnh Cường, ông chủ homestay Suối khoáng nóng Trạm Tấu.
Toàn cảnh khu Homestay Suối khoáng nóng Trạm Tấu của thầy giáo Vũ Mạnh Cường.
Những góc khuất vụn vỡ
Trong không gian của một buổi tối lửa trại tại Suối khoáng nóng, Cường vừa có thể chơi trống cực ngầu, chơi ghi-ta, chơi organ và kiêm luôn ca sỹ hát rút ruột rút gan, tay gạt nước mắt đầy lãng tử. Khi ấy, tôi mới biết Cường là ông chủ và là một thầy giáo dạy Văn…
Thế rồi, trong câu chuyện vào nửa đêm hôm đó, Cường chẳng ngại ngần chia sẻ về bản ngã của mình. Rằng anh là thầy giáo Văn đã từng cắm bản xa nhất của huyện. Đã từng là thầy giáo kiêm cây văn nghệ, thể thao chinh chiến qua nhiều cuộc thi giành giải nhất. Và rồi điểm trường xa xôi ấy được mọi người biết đến và hỗ trợ nhiều hơn…
Cường là con út, sinh năm 1983 trong một gia đình công chức có ba anh em. Bố mẹ anh quê Hưng Yên, họ là những thầy cô đầu tiên từ dưới xuôi lên Trạm Tấu. Khi lên đây, bố anh là người đầu tiên đã học tiếng H’Mông để dạy cho bà con. Sau này, ông cũng có một ca khúc khá nổi tiếng: “Bản Mông ơn Đảng”…
Trong ba anh em trai, Cường không có những thành công sớm rực rỡ như các anh (anh lớn của Cường năm 2008 đã từng là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu)… Từ nhỏ, Cường đã là một đứa trẻ hiếu động khi thường xuyên bày trò cho lũ trẻ hàng xóm cùng trang lứa. Cường hay mày mò, tìm hiểu những việc diễn ra hàng ngày. Tuổi thơ của Cường ngoài giờ đi học là thời gian học các bác thợ xây đánh vữa, xem các chú thợ mộc bào gỗ, lên rừng kiếm củi cùng các anh, chị lớn… Cường được xem là thông minh nhất nhà.
|
Suốt 13 năm đứng lớp, ban ngày Cường là một người thầy chỉn chu, tận tụy… Nhưng phía sau người thầy ấy là những góc khuất vụn vỡ.
|
Tốt nghiệp THPT, Cường được bố đưa về Hà Nội du học tại chỗ. Nhưng anh không chịu được không khí ngột ngạt của thành phố, một thời gian anh rẽ ngang đi học cao đẳng chuyên nghiệp, học nâng cao đại học Sư phạm và về làm giáo viên tại chính mảnh đất sinh ra mình. Cường mong muốn mang lại thật nhiều kiến thức cho các em học sinh đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái, để các em có thể vươn lên, vượt ra khỏi những khốn khó của cuộc sống nơi vùng cao.
Rồi anh cưới cô bạn gái yêu nhau từ thời họ cùng học Sư phạm. Nhưng có lẽ nghề gõ đầu trẻ và những khát vọng lớn, hoặc ít nhất lo được cho gia đình có cuộc sống thoải mái là hai điều dường như không mấy liên quan! Thế rồi, suốt 13 năm đứng lớp, ban ngày Cường là một người thầy chỉn chu, tận tụy… Nhưng phía sau người thầy ấy là những góc khuất vụn vỡ. Anh thẳng thắn đối diện: “Chín năm về trước, tôi là một thằng phong trần”! Những cơn say, những trận cá cược, những đêm ngủ lang không về nhà đã làm Cường như một… đồ bỏ đi. Gia đình nề nếp của Cường không còn chút niềm tin nào với Cường.
Thế nhưng, có một người đã tin Cường, ở bên Cường trong những ngày tháng cùng cực ấy. Anh tên Chiến - người Công an được phân công về Trạm Tấu nhận nhiệm vụ. Nhiều lần người cán bộ này bắt gặp Cường say khướt, bết bát trong nợ nần cá cược... Anh được mọi người cản: Đừng động vào thằng Cường, nó không “chữa” được đâu! Thế nhưng, anh Chiến đã đưa tay kéo Cường trở lại, bằng niềm tin, rằng Cường có thể đứng dậy, bước tiếp.
Đận đó, xung quanh Cường là xã hội đen đe dọa. Anh Chiến cũng là người đã gọi hết những chủ nợ của Cường đến, xin cho Cường được miễn số lãi mẹ đẻ lãi con, để Cường nhìn thấy con đường quay trở về của mình...
Cường cũng đã từng lăn lộn trồng bơ, nuôi lợn, thậm chí ngày đi dạy, tối lại trắng đêm đi buôn đào rừng để có tiền trả nợ…
Cường nói, trước nay, khi nói tới du lịch, người ta thường chỉ nói tới Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, mà bỏ qua Trạm Tấu, vốn là huyện vùng cao nghèo nhất Yên Bái. Dường như không ai biết tới Trạm Tấu với thổ nhưỡng nguyên sơ, hùng vĩ ra sao. Là người có tư duy sắc sảo, Cường nghĩ phải làm một điều gì đó, không chỉ cho bản thân mình. Cường sớm nhìn ra tiềm năng du lịch về bản sắc, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên ban tặng.
Cường cũng rất thức thời khi biết hướng tới những sản phẩm phục vụ “người Hà Nội”: “Tôi đã chứng kiến sự ngột ngạt của người Hà Nội trong ngôi nhà tôi trọ trong thời gian đi học. Tôi đã chứng kiến dòng sông Tô Lịch nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Tôi cũng biết nhiều người thành phố đã áp lực với công việc như thế nào, họ như con hổ trong bài thơ của Thế Lữ”…
“Trước năm 2017, khi tôi chưa xây dựng khu sinh thái này, huyện Trạm Tấu còn vắng khách du lịch lắm, thi thoảng có 1-2 đoàn khách leo núi thôi chứ khách du lịch thì hầu như không có. Lúc đó Trạm Tấu rất buồn”…
Và hành trình trên… “sa mạc”
Ngày Cường chắt chiu, đổ tiền mua khu đồi này và bắt tay vào thực hiện ước mơ, gia đình không ai tin Cường. Nhiều người nghĩ Cường điên.
Cũng vì không có ai ủng hộ, vốn liếng cũng không có ngoài ý chí và quyết tâm, nên mọi việc Cường cứ âm thầm làm. Đêm này qua đêm khác, một hành trình đơn độc, như người đi trên sa mạc… Từ việc nạo vét bùn, vác đá cuội làm kè đến việc trộn vữa, xây thành bể, chặt cây làm rào, đánh đất tạo đường đi, leo trèo dựng lán, trồng cây xanh… Cường đều tranh thủ ngoài giờ lên lớp để tự tay làm. Có đêm, Cường đang miệt mài, cặm cụi thì anh Chiến tới, mang cho Cường bịch sữa! Những hành động nhỏ bé ấy thật ấm lòng, và cho Cường thêm sức mạnh để bước đi… “ngược gió”…
|
Hiện khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Trạm Tấu có quy mô 25 phòng, khả năng phục vụ lên tới 150 người cùng một lúc, với hệ thống 4 bể nước khoáng, tất cả được Cường thiết kế, chăm sóc tỉ mỉ từng viên sỏi, đến những vật dụng mộc mạc, mang hơi thở vùng cao...
|
“Tôi là thầy giáo, không có hiểu biết về làm du lịch, cũng không được đi du lịch ở đâu. Tôi phải tự mày mò học hỏi. Thời gian đó tôi cô đơn lắm, cứ một mình đục đẽo, tự lên ý tưởng rồi lại tự xây dựng. Khi đó cũng không có điều kiện kinh tế nên phải vừa làm vừa lên kế hoạch cụ thể. Nhưng cũng chẳng biết bao lần phá đi, làm lại. Bắt đầu là xây cái bể bơi nước khoáng nóng, rồi đến một vài phòng nghỉ. Dần dần, tôi lấy kinh phí từ đó để mở rộng quy mô cho đến ngày hôm nay.
Khi làm xong rồi mới thấy được là thiên nhiên đã ban tặng cho mình các mạch nước nóng lạnh khác nhau và mình tận dụng nó. Tôi cũng tìm hiểu phong cách của Nhật và phát hiện ra là khi tắm nóng xong rồi tắm lạnh sẽ tốt cho sức khỏe. Tôi cũng xây dựng chuỗi nhà nghỉ gia đình, theo nhóm nhỏ, theo đoàn khách lớn. Đặc biệt tất cả các nguyên liệu để nấu các món ăn phục vụ du khách đều thu mua của bà con, đều rất sạch và an toàn”.
Hiện khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Trạm Tấu có quy mô 25 phòng, khả năng phục vụ lên tới 250 người cùng một lúc, với hệ thống 4 bể nước khoáng, tất cả được Cường thiết kế, chăm sóc tỉ mỉ từng viên sỏi, đến những vật dụng mộc mạc, mang hơi thở vùng cao...
Thời gian đầu, hàng ngày anh đều làm clip, kết nối với rất nhiều bạn bè gần xa trên facebook… Hữu xạ tự nhiên hương, nay hầu như cuối tuần nào các phòng nghỉ nơi đây cũng full phòng.
Vài năm gần đây, du lịch Trạm Tấu đã phát triển. Nhiều homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống… do người bản địa quản lý được mở rộng, góp phần hoàn thiện chuỗi hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách. Bên cạnh du lịch leo núi trải nghiệm, du lịch cộng đồng… du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở Trạm Tấu là mô hình đầy triển vọng khi tận dụng và khai thác tiềm năng sẵn có với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú.
“Tôi yêu đồng bào H’Mông, yêu mảnh đất này. Trong tình yêu của tôi có cả sự thán phục. Người H’Mông không biết phong thủy, nhưng nơi nào người H’Mông ở, nơi đó là thiên đường của du lịch. Nhưng cái dở là người H’Mông lại không biết làm du lịch”, Cường tâm sự.
“Tôi là người tiên phong, và đến giờ tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì bà con từ lúc chỉ trồng sắn trồng khoai giờ đây đã bắt đầu bước chân làm du lịch. Đặc biệt, được mở rộng tiếp xúc với khách du lịch, bà con còn thay đổi được quan điểm sống, có tư duy làm ăn tốt hơn...
Theo Cường, để du lịch Trạm Tấu mang tính bền vững thì bà con phải chung tay giữ bản sắc văn hóa dân tộc, và bảo vệ thiên nhiên sẵn có. Kiến trúc nhà ở cũng phải làm theo truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Ngay khu nghỉ dưỡng của Cường đã sử dụng toàn bộ gỗ và đá, tận dụng mua lại của những ngôi nhà cũ. Bởi gỗ pơ mu rất bền, có thể dùng cả đời người. Ván lợp của đồng bào người H’Mông đã dùng qua nhiều thời gian nhưng vẫn còn nguyên, không mối mọt, không độc hại, không phải xử lý gì cả. Đây cũng chính là bản sắc, là giá trị lớn nhất mà người dân Trạm Tấu để lại cho phát triển du lịch…
Hiện tại khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng Trạm Tấu mới hoàn thiện 50% theo như dự định của Cường. “Tới đây, ngoài dịch vụ tắm khoáng nóng, sẽ có hệ thống chăm sóc sức khỏe. Như tắm lá thuốc, y bác sĩ, điều dưỡng khám sức khỏe cho khách hàng trong khoảng 1 tuần, 1 tháng hoặc 2 tháng. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng dịch vụ, chu đáo hơn và chất lượng hơn”...
Vĩ thanh
Ngay bên khu nhà gỗ trung tâm, bốn cây hoa đào tháng ba xanh mướt được Cường trồng từ những ngày tháng cực nhọc một mình gây dựng nên homestay nhiều tiềm năng và nên thơ như hôm nay. Những cây đào này anh Chiến đưa tiền để Cường mua. Như một sự nhắc nhở Cường và các con về sự khởi đầu, lòng biết ơn, sự tử tế trong cuộc đời…
Nếu như cha anh là người đầu tiên học tiếng H’Mông, viết ca khúc về bản H’Mông đổi mới trong điệu khèn H’Mông dìu dặt khắp núi rừng Tây Bắc. Trong thẳm sâu con người Cường, cũng là tình yêu ấy, với đồng bào H’Mông được truyền từ cha mình!
Dường như, khi con người đã trải qua những tháng ngày đơn độc, làm người tiên phong từ tay trắng, từ vực sâu của chính mình, anh cũng đã nhận được nhiều hơn thế, những yêu thương, trân trọng của bà con, góp phần đưa du lịch Trạm Tấu vào bản đồ du lịch Tây Bắc xinh đẹp, hùng vĩ suốt bốn mùa!
Cùng với Bản Cu Vai, đỉnh Tà Chì Nhù (xã Hà Hồ), thác Háng Đề Chơ (xã Làng Nhì), đỉnh Tà Xùa thân thương với du khách gần xa. Ruộng bậc thang Trạm Tấu với mùa lúa chín mênh mang sườn núi đã được cộng đồng gọi tên. Và khu sinh thái Suối khoáng nóng Trạm Tấu với một ông chủ đầy lãng tử, cùng bà con dân tộc H’Mông, dân tộc Thái trên những bản làng xa xôi, không còn xa nữa…
Năm 2022, lượng khách du lịch đến Trạm Tấu đạt 95.000 lượt khách du lịch, bằng 118,75% kế hoạch; doanh thu đạt trên 57 tỷ đồng, bằng 101,79% kế hoạch.
Theo Miên Thảo - Mộc Miên/baophapluat.vn - 02/04/2023
https://baophapluat.vn/chuyen-chep-o-tram-tau-post471134.html