Vĩnh Tường là địa phương có đàn bò sữa lớn nhất tỉnh. Với thu nhập cao, con bò sữa đã thực sự trở thành đầu cơ nghiệp của người dân địa phương. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sữa, không gây ô nhiễm môi trường, lại là vấn đề cần bàn, bởi đây không chỉ là hiệu quả kinh tế và chuyện làm giàu, mà còn là tiêu chí quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Sáu, thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh có hơn 20 con bò sữa, trong đó có trên 10 con đang cho sữa. Cùng với những lợi ích về kinh tế thì việc chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư đang đặt ra nhiều thách thức cho việc mở rộng đàn bò của gia đình và vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của gia đình.
Hiện nay, toàn xã Vĩnh Thịnh có hơn 10.000 con bò sữa, việc chăn nuôi bò sữa đã góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, mỗi ngày lượng chất thải từ đàn bò cộng với khối lượng lớn nước thải vệ sinh chuồng trại được xả thẳng xuống cống rãnh, các ao hồ và hệ thống mương tiêu khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng nghiêm trọng.
Để khắc phục những tồn tại trên, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn hiệu quả, bền vững, gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường sống trong khu dân cư, xã Vĩnh Thịnh đã xây dựng được 6 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư với diện tích 50ha, nhưng đến nay vẫn chỉ có 40/1.500 hộ chăn nuôi bò sữa ở đây được ra khu chăn nuôi tập trung.
Là một trong những hộ tiên phong đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư, gia đình ông Lương Hữu Thắng, ở thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh đã có điều kiện mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những vậy, việc chăn nuôi cách xa khu dân cư đã giải quyết đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường.
Lợi ích và hiệu quả nhiều mặt của chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương trên, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và sự quyết tâm của mọi người dân trong huyện để chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.
Đặng Thưởng