Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và hồ đập trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương đánh giá hiện trạng đê điều, lên phương án hộ đê và bảo vệ các trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn tuyến để tả sông Lô, huyện Sông Lô đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai sát với điều kiện, yêu cầu thực tế ở từng khu vực, địa phương; khắc phục những tồn tại, hạn chế ở các mùa mưa bão trước. Mục tiêu đặt ra của huyện là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê và đặc biệt là tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 440 hồ, đập lớn nhỏ, các công trình này đều do các Công ty TNHH MTV Thủy lợi quản lý, trong đó có 10 hồ lớn dung tích trên 2 triệu m3, 01 đập dâng có quy mô lớn còn lại là các hồ đập nhỏ nằm rải rác trên địa bàn các huyện trung du miền núi. Công ty TNHH MTV thủy lợi Tam Đảo là đơn vị quản lý nhiều hồ đập lớn của tỉnh, trong đó tiêu biểu là hồ Xạ Hương và hồ Thanh Lanh. Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình hồ đập, Công ty đã phân công cán bộ thường trực 24/24 giờ, xây dựng phương án Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn cho từng công trình thủy lợi đối với các tình huống cụ thể.
Trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến đê sông chính, đó là: đê tả sông Hồng, sông Lô và đê tả, hữu sông Phó Đáy, có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liện quan, UBND các địa phương chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế
Diễn biến của thời tiết, thiên tai luôn khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai là công việc hết sức nặng nề, phức tạp, nhiều nguy hiểm. Do đó, các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; chống tư tưởng chủ quan, lơ là, tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch, phương án đã đề ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi thiên tai xảy ra./.
Đặng Thưởng