Cập nhật: 16/05/2023 08:54:00
Xem cỡ chữ

Được giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ Giao thông Vận tải từ trước tới nay.

Chú thích ảnh

Tuyến đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất đoạn qua địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang thi công. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo nhìn nhận của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia kinh tế, việc “tiêu” hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, cần có những cách làm, giải pháp đột phá.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bộ tăng dần qua các năm, đạt bình quân khoảng 23-24%/năm. Mặc dù tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng đều không đạt 100% kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân đạt 88,2%; năm 2020, đạt 97,5%; năm 2021 đạt 93,7%; năm 2022 đạt 96,23%.

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ giải ngân số vốn gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021.

Ông Bùi Quang Thái, Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, đến hết tháng 4/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 21.800 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, với hơn 8 tháng còn lại, Bộ Giao thông Vận tải phải giải ngân hết số vốn khoảng 72.236 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm của Bộ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng dự kiến trong quý II/2023 và những tháng cuối năm nay, việc giải ngân sẽ gặp nhiều khó khăn,

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân hết nguồn vốn còn lại là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các chuyên gia chỉ ra ngoài nguyên nhân nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực, vấn đề giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, nhưng vẫn luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.

Ví dụ như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) tính đến hết tháng 4/2025, dù đã giải phóng mặt bằng đạt tới 81% nhưng theo phản ánh của các nhà thầu thì mặt bằng có thể tổ chức thi công chỉ đạt 64%. Cùng với đó, một số đoạn chưa có đường công vụ, nhiều vị trí bị xen kẹp…

Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL01 cao tốc Bắc - Nam, đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, nhà thầu đã kiến nghị địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng toàn tuyến, từ đó mới giải quyết được bài toán về đường vận chuyển phục vụ thi công.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang cho biết, để dự án đạt tiến độ, ngoài mặt bằng thi công, khâu giải quyết nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường là yêu cầu ưu tiên số một. Vì nếu không có nguồn cát đắp thì không thể thi công xử lý nền đất yếu trên tuyến, kéo theo đó là thời gian gia tải… sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu.

"Nhu cầu cát phục vụ thi công tại dự án Cần Thơ - Hậu Giang là rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ mới, nâng công suất khai thác, nhà thầu đã chủ động mua cát từ các mỏ đang khai thác nhưng việc cung ứng ở mức độ rất hạn chế", Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, việc khởi công nhanh nhiều dự án giao thông trọng điểm và sớm đưa vào khai thác các tuyến cao tốc mới đây khẳng định quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông vận tải.

Từ đầu năm đến nay, ngành giao thông vận tải đã khởi công đồng loạt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) như đoạn Cam Lộ - La Sơn hay cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 29/4 vừa qua và ngày 19/5 tới đây là khánh thành cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết.... Tới ngày 30/6/2023 sẽ khởi công một loạt các dự án trục ngang như Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu…

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giải ngân năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải là thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội để Bộ tận dụng nguồn vốn quý báu, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành. Ngay từ đầu năm, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng dự án, hoàn thiện thủ tục phân bổ dự toán giải ngân được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.

“Nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cũng được yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý; phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ có năng lực chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án. Các đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, đấu thầu, triển khai thi công, thanh, quyết toán… đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân gắn với thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiến độ giải ngân phải gắn với sản lượng thi công và chất lượng công trình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Về giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 trong quý II/2023; hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, cầu Mỹ Thuận 2..., đảm bảo hoàn thành trong năm 2023.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để đảm bảo tiến độ xây dựng nhà ga chính của Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tỷ trọng vốn mà Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân so với các bộ, ngành địa phương là rất lớn, nếu Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành được nhiệm vụ được giao sẽ là yếu tố quan trọng trong việc giúp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư của cả nước trong năm 2023.

Theo Quang Toàn (TTXVN) - 16/05/2023

 https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-giao-thong-tim-cach-tieu-het-von-dau-tu-cong-20230516084121942.htm