Lời chất vấn của phụ huynh "Tại sao lại chỉ được có 8 điểm" là phân cảnh mở đầu cho bộ phim ngắn "Menthy Club" vừa giành giải nhất toàn cầu do nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy thực hiện.
Bộ phim đầu tiên của Đông Nam Á vô địch Your World Competition
Giải thưởng mà bộ phim "Menthy Club" vừa giành được mang tên Your World - cuộc thi làm phim dành cho học sinh 14-17 tuổi. Năm nay, cuộc thi thu hút sự tham gia của 750 trường trên toàn cầu với chủ đề "Good health and Well-being" (Sức khỏe thể chất và tinh thần).
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong quá trình điều hành CLB hỗ trợ tâm lý tại trường, nhóm làm phim "Menthy Club" đã cung cấp cho người xem một góc nhìn mang tính thức tỉnh dành cho người lớn chỉ bằng 3 phút phim ngắn ngủi.
Nhóm làm phim "Menthy Club" của Trường THCS Cầu Giấy (Ảnh chụp màn hình từ clip).
Nhân vật chính của phim là một học sinh lớp 8 tên My. Học là toàn bộ cuộc sống của cô bé với bài tập về nhà, các buổi học thêm, các kỳ thi. "Tôi phải học tập chăm chỉ mỗi ngày. Đôi khi tôi cảm thấy kiệt sức", My tâm sự.
Áp lực điểm số và lời chất vấn của mẹ "Tại sao lại chỉ được có 8 điểm" khiến cô bé có lúc không còn muốn cố gắng nữa, cảm thấy lạc lõng và mất mát, không biết phải gì tiếp theo (nguyên văn lời thoại tiếng Anh: "I don't wanna try anymore. I feel lost…").
Rồi đại dịch Covid-19 xảy ra, như bao bạn bè, My bị tách ra khỏi giao tiếp trực tiếp, chỉ có thể trò chuyện qua tin nhắn. Trở lại trường học sau một năm nghỉ dịch, My gặp khó khăn trong việc nói chuyện, kết nối với bạn - điều từng rất dễ dàng với một người hướng ngoại như My. My căng thẳng và không thể hòa đồng, cảm thấy luôn có bức tường ngăn cách My với mọi người.
Điều may mắn là My có những người bạn sẵn sàng lắng nghe cô bé.
"Menthy Club" là tên bộ phim cũng đồng thời là tên của câu lạc bộ hỗ trợ tâm lý học đường của các học sinh Trường THCS Cầu Giấy. Đây là nơi mà các bạn trẻ tìm tới nhau để chia sẻ những khó khăn áp lực trong cuộc sống, để được giãi bày các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần. Từ đó các em giúp nhau tìm ra nguyên nhân, tìm lại sự kết nối và yêu thương, lấy lại sự cân bằng trong tâm trí và trở nên tích cực hơn.
Lắng nghe và chia sẻ là cách mà các em giúp nhau chữa lành tổn thương tâm lý thay cho những lời khuyên.
"Chúng em chỉ có 3 ngày để làm phim", Nguyễn Quang Anh - một trong năm thành viên của nhóm làm phim - chia sẻ. Cả năm bạn đều đang học hệ song bằng Cambridge của Trường THCS Cầu Giấy gồm: Phạm Đức Minh (lớp 9SB1), Nguyễn Như Mai (lớp 8SB1), Nguyễn Quang Anh (lớp 8SB2), Đỗ Trần Thảo Vy (lớp 8SB2) và Tống Nguyễn Phương Anh (lớp 8SB2).
5 thành viên của nhóm làm phim gồm: Phạm Đức Minh, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quang Anh, Đỗ Trần Thảo Vy và Tống Nguyễn Phương Anh (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Nhận một chủ đề tưởng chừng rất khó song Quang Anh và các bạn lại vô cùng hứng thú bởi: "Chúng em đã yêu thích và tìm hiểu về sức khỏe tâm thần từ lâu". Tuy nhiên, do thời gian làm phim quá gấp, cả nhóm cảm thấy không hài lòng với sản phẩm của mình. Khi gửi phim đi, không một ai nghĩ rằng phim sẽ đoạt giải.
Thế nhưng, "Menthy Club" đã vô địch vòng quốc gia, sau đó là vô địch khu vực Đông Á và cuối cùng là vượt qua hơn 700 nhóm làm phim khác để vô địch thế giới. "Menthy Club" cũng là bộ phim đầu tiên của khu vực Đông Nam Á giành được giải thưởng này trong 6 mùa tổ chức.
"Giải thưởng nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng em. Phim có nhiều chỗ chúng em chưa hài lòng. Nếu có cơ hội làm lại, chúng em sẽ làm hay hơn, làm rõ được thông điệp hơn", thành viên Nguyễn Như Mai chia sẻ.
"Đôi khi chúng em sợ hãi khi chia sẻ cảm xúc thật của mình với cha mẹ"
Nhiều người lớn cho rằng, giới trẻ ngày nay thích trò chuyện online, thích sống trong "thế giới ảo" hơn là thế giới thật. Nhưng nhóm làm phim khẳng định: "Đó là sự hiểu lầm của người lớn". Theo lời các em, lứa tuổi học sinh có nhu cầu giao tiếp trực tiếp rất cao. Các em luôn cảm thấy dễ dàng hơn khi được trò chuyện thân mật với nhau ngoài đời so với nói chuyện qua mạng.
Nhóm làm phim cũng chia sẻ, ở lứa tuổi của các em, ai cũng có vấn đề tâm lý ít hoặc nhiều.
"Ở độ tuổi này, chúng em ai cũng đang cố gắng tìm xem bản thân là ai và sẽ có những vấn đề tâm lý nảy sinh trong quá trình tìm hiểu về bản thân đó. Chúng em luôn cố gắng để được là một người bình thường, nhưng người bình thường cũng có những tiêu chí nhất định. Và chính kỳ vọng được sống như một người bình thường đó lại tạo ra áp lực với bản thân chúng em."
"Trong số các áp lực, áp lực điểm số có lẽ là phổ biến nhất. Chúng em nghĩ phải học thật giỏi mới đỗ được vào cấp 3, rồi vào đại học, sau này mới mong có được công việc tốt, kiếm được nhiều tiền…"
"Đôi khi chúng em còn có tâm lý sợ hãi khi chia sẻ cảm xúc thật của mình với cha mẹ. Có những xung đột về mặt tình cảm mà chúng em nghĩ rằng rất khó bày tỏ và diễn đạt để cho cha mẹ hiểu, bởi ngay từ đầu cha mẹ đã khó chấp nhận những việc như thế rồi", các thành viên của nhóm làm phim bày tỏ.
Với "Menthy Club", nhóm làm phim muốn gửi gắm thông điệp dành cho người lớn để cha mẹ, thầy cô hiểu hơn về những gì mà giới trẻ đang trải qua, những khó khăn mà họ phải đối mặt, từ đó hai bên thấu hiểu nhau hơn. "Chúng em cũng muốn nhắn nhủ rằng cha mẹ hãy tôn trọng những lựa chọn của chúng con. Cha mẹ hãy tin tưởng vào chúng con. Chúng con đã lớn, có hiểu biết, có quan điểm riêng và hãy tin rằng chúng con không làm điều gì quá ngốc nghếch.", Nguyễn Quang Anh chia sẻ.
Nguyễn Quang Anh: "Cha mẹ hãy tin tưởng vào chúng con" (Ảnh Nguyễn Sơn)
Thành viên Phạm Đức Minh nói thêm: "Chúng em cũng muốn qua bộ phim để gửi lời tới tất cả các bạn học sinh rằng các bạn không một mình. Chúng mình hiểu và đều trải qua những khó khăn như các bạn. Các bạn hãy kết nối với nhau, để được chia sẻ và được lắng nghe."
Theo Hoàng Hồng/dantri.com.vn – 20/5/2023
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-sinh-cap-2-viet-nam-gianh-giai-nhat-phim-quoc-te-20230519162357504.htm