Không quản ngại vất vả, gian khó, họ đã trực tiếp đến từng gia đình các thành viên để tìm hiểu nhu cầu vay vốn, thu lãi và động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả; nhờ đó đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đã đến được với người dân một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đó chính là những cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn, họ được ví như những cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách.
Sau nhiều lần được tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Thượng, xã Duy Phiên tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi và định hướng sử dụng nguồn vốn, anh Hùng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH Huyện Tam Dương để nuôi 2 nghìn gà đẻ trứng, với giá trứng hiện nay mỗi ngày trừ chi phí, anh Hùng lãi 700 nghìn đồng. Nhờ chăn nuôi gà mà cuộc sống của gia đình anh Hùng đã ổn định không còn khó khăn như trước.
Từ ngày nhận làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Thượng, xã Duy Phiên, bà Lý luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Với quan điểm khi có vốn là kịp thời giải ngân ngay cho các hộ vay để họ đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi nhưng phải trên nguyên tắc bình xét, công khai, minh bạch và quản lý, giám sát chặt chẽ người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Trên địa bàn huyện Tam Dương hiện có 264 tổ tiết kiệm và vay vốn ký hợp đồng ủy nhiệm với Ngân hàng CSXH, qua đánh giá hiện nay có trên 90% tổ xếp loại tốt, hoạt động hiệu quả giúp chuyển tải các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân trên địa bàn huyện.
Nhờ nguồn vốn cho vay thông qua các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tam Dương./.
Nguyễn Toàn