Cập nhật: 18/06/2023 10:23:00
Xem cỡ chữ

Với bản sắc văn hóa riêng biệt cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, huyện Bắc Hà được biết đến là một điểm du lịch hấp dẫn của Lào Cai.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, du lịch vùng đất được mệnh danh là “cao nguyên trắng” này đang có sự hồi phục tích cực, hướng tới trở thành Khu Du lịch đặc sắc của tỉnh Lào Cai.

Chú thích ảnh

Giải đua ngựa truyền thống trên cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Nhiều nét riêng, hấp dẫn

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà chia sẻ, địa phương có nhiều nét riêng, hấp dẫn, hội tụ các yếu tố để trở thành khu du lịch đặc sắc của Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Có thể kể đến, chợ văn hóa Bắc Hà với những nét nguyên sơ của chợ văn hóa vùng cao được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) đánh giá là một trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng - trung tâm duy nhất trên thế giới diễn giải về nghệ thuật kiến trúc của hai nền văn hóa Á - Âu. Bắc Hà còn sở hữu hàng trăm di tích, di sản, trong đó có một di sản của nhân loại như nghi lễ kéo co của người Tày, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, 4 di sản cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp quốc gia.

"Cao nguyên trắng" Bắc Hà được biết đến với nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Vùng đất này còn nguyên nét hoang sơ, độc đáo, đặc sắc, nổi bật với văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, các nông sản đặc trưng, đặc hữu. Đến với Bắc Hà, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây thường đãi khách bằng sản vật địa phương như xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, bánh dày, thắng cố, khẩu nhục, lợn cắp nách, gà bản, phở... đã tạo ấn tượng sâu đậm, sự hài lòng của du khách.

Nay Bắc Hà còn được biết đến với nhiều đặc sản mới như gạo khẩu Nậm Xít, chè shan tuyết Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai; rượu ngô đặc sản Bản Phố - sản phẩm OCOP 4 sao, lạc đỏ địa phương. Các loại hoa quả đặc sản ngoài mận tam hoa, mận Tả Van, lê Tai Nung, lê xanh, Bắc Hà còn có trái hồng, trái bơ thơm ngon, các loại rau sạch đặc sản xứ lạnh như cải xoăn, cải làn, su hào, rau đương quy tươi và các loại cây dược liệu quý đặc trưng vùng có khí hậu mang tính chất ôn đới như sâm Ngọc Linh, atisô…

Bên cạnh yếu tố tự nhiên, các lễ hội diễn ra ở Bắc Hà tạo nên sự hấp dẫn riêng với du khách như: Lễ hội Gầu Tào (Say Nán) người Mông; Lễ hội xuống đồng của người Tày với làn điệu xòe được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia; Lễ hội cấp sắc người Dao; Lễ cúng rừng của người Mông, Tày, Nùng, Phù Lá... Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng của 14 dân tộc anh em cùng sự thân thiện, mến khách, Bắc Hà đang trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hướng tới khu du lịch đặc sắc

Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Đinh Văn Đăng, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, huyện đã lập kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm để phục hồi du lịch cho địa phương. Bên cạnh đó, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn xuống nút phố Lu - Bảo Thắng, rút ngắn khoảng cách đến huyện Bắc Hà hơn 20km so với trước đây đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến với "cao nguyên trắng".

Chú thích ảnh

Tinh khôi mùa hoa mận trắng trên vùng cao Bắc Hà

Nhằm tạo điểm nhấn quan trọng kích cầu du lịch Bắc Hà 2023, Festival cao nguyên trắng Bắc Hà mùa Hè đã được tổ chức từ 3-11/6/2023. Tại Festival này, đến với Bắc Hà, cùng với tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, du khách còn được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức đặc sản của vùng đất này. Qua 9 ngày tổ chức, Festival cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè năm 2023 với chủ đề “Vũ điệu cao nguyên” đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm… Đây cũng là dịp để Bắc Hà giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch và các sản phẩm du lịch độc đáo như: Lễ hội đua ngựa, mận Tam Hoa và ẩm thực Bắc Hà.

Anh Lê Minh Hiếu, du khách đến từ Thanh Hóa cho biết, anh lên Bắc Hà cùng bạn bè và gia đình vào dịp này để xem đua ngựa, trải nghiệm hái mận chín tại vườn. Anh rất vui vì được thưởng thức các đặc sản Bắc Hà như: chè cổ thụ Shan tuyết trăm năm tuổi với các loại hồng trà, bạch trà, các sản phẩm mứt mận, rượu mận phố núi nổi tiếng của Hợp tác xã Quang Tôm, Bản Liền...

Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện, trong 9 ngày diễn ra Festival (từ 3 - 11/6), Bắc Hà đón 63.000 lượt du khách, ước đạt khoảng 12% lượng khách đến địa phương trong năm 2023. Riêng tuần diễn ra vòng chung kết đua ngựa, Bắc Hà đón 45.000 lượt khách.

Hiện nay, địa bàn Bắc Hà có 85 cơ sở lưu trú trong đó có 8 khách sạn 1-2 sao, 29 nhà nghỉ và 296 homestay. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 58 nhà hàng, quán ăn, điểm vui chơi giải trí. Cùng với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, huyện đang triển khai phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; du lịch mạo hiểm; du lịch sáng tạo... Bên cạnh đó, các dự án đã và đang được thực hiện tại Bắc Hà như Khu Di tích tâm linh Chùa núi ba mẹ con, khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch phía nam hồ Na Cồ, cánh đồng Sín Chải...

Huyện Bắc Hà hiện đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “cao nguyên trắng”. Đó là xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng theo hướng đặc sắc, bền vững, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; đảm bảo lợi ích của cộng đồng, người dân bản địa góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, huyện có phương án bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Theo Hồng Ninh (TTXVN) - 18/06/2023

https://baotintuc.vn/du-lich/phat-trien-bac-ha-tro-thanh-khu-du-lich-dac-sac-20230618084715883.htm