Ngày 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đến điểm thi làm thủ tục đăng ký dự thi để chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra trong hai ngày 28 - 29/6. Để tránh những sai lầm đáng tiếc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những lưu ý với thí sinh trong ngày làm thủ tục dự.
Năm nay là năm đầu tiên áp dụng Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có sự thay đổi về danh sách vật dụng được mang vào phòng thi. Thí sinh cần lưu ý đặc biệt đến quy định này để tránh phạm quy. Đặc biệt vẫn có những thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù nhiều lần được học quy chế.
Nhấn mạnh từ Ban chỉ đạo thi, mọi vi phạm trong kỳ thi đều sẽ bị xử lý theo đúng quy chế. Thí sinh mang theo điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện thì dù đã sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bị điểm 0, không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và mất quyền dự tuyển vào đại học năm nay.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm đủ 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (hoặc khoa học xã hội). Vì vậy, thí sinh cần đến đúng giờ thi, tuyệt đối không đến muộn vì có thể bị động về tâm lý, ảnh hưởng đến chất lượng bài làm. Nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó. Để tránh sơ suất này, thí sinh cần chủ động tính toán thời gian di chuyển tới điểm thi, lưu ý có thời gian dự phòng cho tình huống phát sinh trên đường (ùn tắc giao thông, thời tiết...).
Liên quan đến bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), thí sinh cần nhớ, đã đăng ký bài thi tổ hợp nào thì chỉ được làm bài thi tổ hợp đó, không được làm cả hai bài. Đã có năm, Bộ GD&ĐTcho phép thí sinh được làm cả hai bài tổ hợp, nên cần ghi nhớ điều này ở kỳ thi năm nay để tránh nhầm lẫn.
Bộ GD&ĐT lưu ý với thí sinh về màu mực, hình thái trong khi làm bài. Đó là, khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, phải báo cáo ngay với cán bộ trong phòng thi để được xử lý.
Thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ.
Về những thiết bị gian lận công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: "Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất kỹ vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp tốt với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã ban hành hướng dẫn phối hợp, trong đó các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã rất tích cực phối hợp, cùng ngành Giáo dục bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi. Bộ Công an đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá các an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi".
Mặt khác, địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho thí sinh, phụ huynh hiểu những nội dung mà nhiều người dân, thậm chí cán bộ, giáo viên, học sinh chưa biết, như đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật Nhà nước độ “tối mật”, ai làm lộ đề sẽ bị xử lý hình sự. Đồng thời, phải tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác coi thi để giám thị nhận biết được các dấu hiệu sử dụng thiết bị công nghệ cao diễn ra trong phòng thi…
Theo Lê Vân/Báo Tin tức - 27/06/2023
https://baotintuc.vn/giao-duc/nhung-dieu-can-ghi-nho-de-khong-vi-pham-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2023-20230627063356014.htm