Cập nhật: 30/06/2023 07:22:00
Xem cỡ chữ

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý phức tạp và ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Người lớn hay trẻ nhỏ cũng có thể xảy ra tình trạng khoang phổi có nhiều dịch tiết bất thường, gây ra phản ứng ban đầu như ho, khó thở.

Tràn dịch màng phổi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây suy hô hấp, thậm chí có thể tử vong. Vậy nguyên nhân tràn dịch màng phổi do đâu, nhận biết thế nào?

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi

‎Có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, tuy nhiên ở nước ta nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi là:

- Nguyên nhân do viêm phổi: Nếu người bệnh mắc viêm phổi khi đó, các vi khuẩn lan ra màng phổi hoặc vùng phổi bị nhiễm khuẩn quá gần màng phổi làm màng phổi tiết ra dịch. Theo ghi nhận, nếu viêm phổi do vi khuẩn Hemophilus influenzae, St. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, vi khuẩn lao (Mycobacterium).... dễ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Nếu tràn dịch do nguyên nhân viêm phổi không điều trị đúng dịch sẽ thành mủ màng phổi, điều trị khó khăn.

Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, tùy theo tuổi trong đó thường gặp do viêm phổi, do lao, do các bệnh lý khác...

‎‎- Nguyên nhân do lao màng phổi: Tình trạng lao màng phổi cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi do nguyên nhan lao là bệnh khá thường gặp, theo nghiên cứu nguyên nhân này chiếm 25% đến 37% các trường hợp tràn dịch màng phổi. Bệnh gặp nhiều ở người tuổi trẻ, nam nhiều hơn nữ, có thể tràn dịch màng phổi đơn thuần hoặc phối hợp với tổn thương lao ở nhu mô phổi.

Khi mắc biểu hiện thường thấy là một người đang khỏe mạnh, sau ít ngày thấy mệt mỏi, có cảm giác đau nhói một bên ngực, kèm theo khó thở, sốt nhẹ, ho khan.

‎‎- Nguyên nhân do ung thư: Nếu người bệnh mắc ung thư nhất là ung thư phế quản-phổi có thể gây tràn dịch màng phổi. Lý do dẫn đến tràn dịch màng phổi là do tế bào ung thư xâm lấn vào màng phổi hoặc gián tiếp do bít tắc các đường dẫn lưu dịch. Tình trạng tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân ung thư thường gặp những đối tượng lớn tuổi, nghiện thuốc lá, ho dai dẳng từ trước đó, khó thở ngày càng nhiều. Ngoài ra, theo ghi nhận ở một số tường hợp ung thư di căn từ nơi khác vào màng phổi.

‎‎- Nguyên nhân do suy timTình trạng suy tim có thể gây tràn dịch màng phổi, nguyên nhân là tim không thể bơm hết máu từ phổi đổ về, máu ứ lại trong phổi làm cho huyết tương thoát khỏi mạch máu vào khoang màng phổi. Người bệnh suy tim nếu mắc tràn dịch màng phổi có thể có các biểu hiện như: khó thở do suy tim, nay có dịch màng phổi khó thở tăng thêm, ho, phù chân,…

‎Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây tràn dịch màng phổi, trong đó có các bệnh như: xơ gan, mổ tim.

‎‎Biểu hiện tràn dịch màng phổi

‎‎Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân, mức độ tràn dịch màng phổi,... mà người bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng của tràn dịch màng phổi rất khác nhau.

Các biểu hiện phổ biến có thể gặp ở người bệnh tràn dịch màng phổi là đau. Đau của bệnh lý này khác với tình trạng đau thông thường, đa số người bệnh thấy đau ngực kiểu màng phổi, đau tăng lên khi hít sâu, khi ho.

Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí bị tổn thương mà bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở vị trí khác nhau. Có thể đau tại màng phổi vùng giữa ngực nhưng nếu tổn thương màng phổi vùng ngoài cơ hoành có thể đau ở bụng, tổn thương màng phổi vùng giữa cơ hoành hoặc trung thất lại gây đau ở cổ...

Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị - Ảnh 2.

Các triệu chứng phổ biến khi bị tràn dịch màng phổi là đau ngực.

Khi tràn dịch màng phổi, phổi bị ép lại, người bệnh sẽ có cảm giác khó thở, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện ho, thường chỉ là ho khan, nhưng khi có bệnh trong phổi thì ho có thể có đờm. Ho làm đau ngực tăng thêm triệu chứng toàn thân có thể là sốt. Tuy nhiên, tình trạng khó thở nhiều hay ít tùy người bệnh có bệnh lý nào kèm theo hay không.

Khi tràn dịch màng phổi kéo dài, người bệnh mất cảm giác đau dần, khi đó có thể chỉ còn tức nặng bên ngực bị bệnh. Do vậy, nhiều trường hợp đau do tràn dịch màng phổi bị chẩn đoán là đau dây thần kinh liên sườn.

‎‎Chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng phổi

Ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định, các phương pháp thường thấy là chụp x-quang, siêu âm.

- Chụp x quang ngực thẳng sẽ phát hiện được dịch màng phổi khi lượng dịch > 150ml tùy thuộc vào mức độ tràn dịch màng phổi.

- Siêu âm màng phổi giúp chẩn đoán tình trạng dịch (ít, vừa, nhiều), tình trạng tổn thương nhu mô đi kèm. Đồng thời xác định vị trí cho chọc dò màng phổi.

Ngoài ra, có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực trong trường hợp số lượng ít và khu trú, đồng thời phát hiện các tổn thương đi kèm khó phát hiện khi chẩn đoán bằng các phương pháp khác.

Để xác định nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi cần chọc thăm dò dịch màng phổi, xét nghiệm dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi... các xét nghiệm khác phụ thuộc vào bệnh nguyên nghi ngờ.

Điều trị tràn dịch màng phổi là điều trị theo căn nguyên gây tràn dịch màng phổi. Lựa chọn kháng sinh là cần thiết, nếu nguyên nhân là do bệnh lao thì cần điều trị theo phác đồ chống lao của Bộ Y tế...

Nếu dịch quá nhiều làm người bệnh khó thở, bác sĩ sẽ rút nhiều dịch để giúp phổi dễ giãn nở hơn.

‎Tóm lại, tràn dịch màng phổi là vấn đề rất thường gặp, tình trạng này gặp cả ở người lớn và trẻ em. Điều trị nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi có hiệu quả, dịch tự mất đi, tuy nhiên người bệnh có thể cần tập thêm vật lý trị liệu để hô hấp trở về bình thường. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ như: Đau ngực, khó thở, cần tới cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị tận gốc.

Theo BS Nguyễn Thị Bích/suckhoedoisong.vn - 29/06/2023

https://suckhoedoisong.vn/tran-dich-mang-phoi-nguyen-nhan-bieu-hien-va-dieu-tri-169230628150706273.htm