Năm nay, các trường trung học phổ thông đã chủ động xây dựng tổ hợp và công bố sớm cho thí sinh, phụ huynh tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại trường.
Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sau năm đầu tiên triển khai nhiều lúng túng, năm học này, các trường trung học phổ thông đã chủ động hơn trong việc xây dựng các tổ hợp và cung cấp thông tin sớm cho phụ huynh, học sinh.
Công bố sớm, tư vấn trực tiếp
Năm học 2023-2024 là năm thứ hai ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông. Theo đó, đây cũng là năm thứ hai học sinh được chọn môn học ngay từ khi bắt đầu vào học lớp 10 thay vì phải học tất cả các môn như trước đây.
Cụ thể, ngoài 4 môn học bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử và các chương trình Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ được chọn 4 môn trong số 9 môn học còn lại (gồm Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).
Học sinh sẽ phải theo môn học đã chọn suốt ba năm cấp ba. Trong trường hợp học sinh muốn thay đổi môn học, việc đổi môn chỉ được thực hiện ở cuối năm học và học sinh sẽ phải tự học bù kiến thức của môn học mới ở các lớp trước.
Vì vậy, việc lựa chọn môn học với học sinh rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến các tổ hợp môn xét tuyển đại học sau khi tốt nghiệp, trong khi việc chọn lại môn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Năm nay, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương (quận Từ Liêm, Hà Nội) tuyển 15 lớp 10 với 7 tổ hợp nhóm môn, tương tự như năm ngoái. Thầy Trần Trọng Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay tổ hợp môn học ổn định nên ngay trong quá trình tuyển sinh, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh và học sinh thông tin về các nhóm môn để học sinh và phụ huynh tìm hiểu, nghiên cứu trước.
Tương tự, Trường Trung học phổ thông Quang Trung (quận Đống Đa) cũng chủ động thông tin đến học sinh, phụ huynh về các tổ hợp môn học sẽ được trường triển khai ở lớp 10 trong năm học tới. Theo đó, trường có 5 nhóm tổ hợp môn với các chuyên đề học tập tương ứng.
Tại trường Trung học phổ thông Việt Đức, năm nay trường có 10 tổ hợp, tăng ba tổ hợp so với năm ngoái đồng thời có thêm môn học mới là môn Âm nhạc. “Chúng tôi muốn giúp học sinh có sự lựa chọn đa dạng hơn. Môn Âm nhạc vừa tạo điều kiện cho những học sinh có năng khiếu có thể tiếp tục đam mê, vừa là môn học có thể giúp các em giải tỏa căng thẳng, áp lực học hành,” cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Không chỉ chủ động thông tin sớm, với đặc thù là trường không chuyên duy nhất của Hà Nội đào tạo đến 5 ngoại ngữ khác nhau, Trường Trung học phổ thông Việt Đức còn tổ chức riêng một buổi tư vấn cho học sinh phụ huynh vào sáng ngày 5/7, trước khi bắt đầu thu hồ sơ nhập học.
Hàng trăm học sinh, phụ huynh đã đến dự buổi tư vấn trực tiếp của Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức. (Ảnh: PM/Vietnam)
“Nhiều phụ huynh rất băn khoăn vì việc chọn môn là hoàn toàn mới, lại theo con suốt ba năm. Những thông tin tư vấn của trường rất đầy đủ về các tổ hợp môn, việc học ngoại ngữ một, ngoại ngữ hai như thế nào. Đây là các thông tin cần thiết để phụ huynh quyết định lựa chọn môn cho các con vì điều đó ảnh hưởng đến việc thi tuyển đại học của các con sau này,” chị Nguyễn Tuyết Mai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Nên chọn môn nào?
Chọn môn học nào là câu hỏi được nhiều thí sinh, phụ huynh đặt ra. Theo lãnh đạo các trường trung học phổ thông, tạo thuận lợi cho học sinh trong việc kết hợp môn học để xét tuyển đại học cũng là vấn đề được các trường tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng tổ hợp các môn học. Vì thế, trước khi xây dựng tổ hợp môn học ở lớp 10, trường đã phải nghiên cứu kỹ các tổ hợp môn xét tuyển của các trường đại học.
Thống kê trong năm đầu tiên triển khai lựa chọn môn học ở lớp 10 năm học 2022-2023 ở các trường cũng cho thấy, tổ hợp được đa số học sinh lựa chọn thiên về nhóm ngành khoa học xã hội.
Tuy nhiên, chia sẻ với phụ huynh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức Nguyễn Bội Quỳnh cho rằng bên cạnh việc chọn môn học theo năng lực, sở trường, sở thích của con, phụ huynh nên tính đến tương lai.
“Phải tính đến khối thi, trường xét tuyển đại học sau này. Ngoài các môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, nếu lựa chọn thêm môn Vật lý thì các con có thể xét thêm khối A1, nếu lựa chọn môn hóa thì có thể thêm khối D7. Điều này rất quan trọng, phụ huynh nên cân nhắc,” cô Quỳnh nói.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức cũng nhắn nhủ phụ huynh đừng thấy con em mình kém môn tự nhiên mà không dám chọn. “Việc con học môn đó ba năm ở trường như thế nào, xin nhường lại cho thầy cô giáo. Các thầy cô sẽ có trách nhiệm chuyển tải kiến thức, sư phạm sao cho các con học môn đó thấy dễ hiểu, nắm được bài. Ban đầu có thể thấy khó, nhưng trong quá trình học ở trường, có thể các con lại thấy thích và học tốt, có thể thi đại học được. Nếu học không tốt thì có thể không chọn môn đó để thi tốt nghiệp,” cô Quỳnh nói.
Liên quan đến việc xét tuyển đại học, Tiến sỹ Nguyễn Bội Quỳnh cũng khuyên học sinh nếu luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì phải có kế hoạch sớm và tính toán lộ trình kết thúc chậm nhất là hè năm lớp 11 để có thể dành cả năm lớp 12 tập trung cho các môn thi tốt nghiệp.
Lựa chọn môn học trên cơ sở năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp khi xét tuyển đại học cũng là lời khuyên của thầy Trần Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Phương với các em học sinh.
“Các em nên chọn môn nào để khi thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học được thuận lợi, ví dụ như muốn thi khối ngành kỹ thuật thì nên chọn các môn khoa học tự nhiên, muốn chọn ngành xã hội thì nên chọn nhóm môn khoa học xã hội,” thầy Hà nói.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hạn cuối để học sinh đã trúng tuyển lớp 10 công lập đến làm thủ tục nhập học là hết ngày mai, 7/7./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+) - 06/07/2023
https://www.vietnamplus.vn/chon-mon-hoc-o-lop-10-truong-thpt-chu-dong-ho-tro-hoc-sinh/873411.vnp