Cập nhật: 14/07/2023 07:51:00
Xem cỡ chữ

Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân và cũng là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh dịch, trong đó có viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi cấp.

Viêm phổi cấp là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính ở phổi. Bệnh xảy ra do virus, vi khuẩn, trực khuẩn lao gây nhiễm trùng tấn công vào hệ thống hô hấp như phế nang phổi. Các nguyên nhân gây viêm phổi cấp gồm:

Viêm phổi do virus

Virus là nguyên nhân gây nên 30% số ca mắc bệnh viêm phổi. Đặc biệt là chúng xảy ra phổ biến ở trẻ em, hầu hết các biểu hiện có thể không quá nghiêm trọng. Các loại virus có thể dẫn đến viêm phổi là:

+ Do virus cúm A và virus cúm B gây bệnh chủ yếu với người lớn.

+ Do virus hợp bào hô hấp (RSV) lại "tấn công" đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nhiều hơn.

+ Do các loại virus khác: Coronaviruses, rhinovirus, virus parainfluenza và adenovirus (chúng gây đau mắt đỏ), herpes simplex, sởi và thủy đậu (hiếm khi).

Nắng nóng kéo dài phòng viêm phổi cấp - Ảnh 1.

Virus là nguyên nhân gây nên 30% số ca mắc bệnh viêm phổi.

Viêm phổi cấp do phế cầu

Nguyên nhân gây viêm phổi phế cầu là vi khuẩn streptococcus pneumoniae (hay còn gọi là phế cầu khuẩn). Nó là bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có các bệnh mãn tính vì hệ miễn dịch suy yếu và tỷ lệ biến chứng tiềm ẩn cao.

- Viêm phổi do vi khuẩn: Bên cạnh vi khuẩn phế cầu kể trên, còn có một số loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi khác, chúng bao gồm:

+ Vi khuẩn haemophilus influenzae: Là loại vi khuẩn có thể gây nên nhiều loại nhiễm trùng khác nhau, tùy vào vị trí mà chúng xâm nhập. Nhiễm trùng phổi là tình trạng khá phổ biến với các bệnh nhân bị haemophilus influenzae tổn thương, bên cạnh viêm tai giữa và nhiễm trùng máu.

+ Vi khuẩn Legionnaires: Gây ra triệu chứng viêm phổi nặng đến nghiêm trọng, có thể nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng Legionnaires đôi khi khiến người bệnh sốt pontiac.

+ Viêm phổi do Mycoplasma: Vi khuẩn Mycoplasma là dạng vi khuẩn có nhiều chủng nhất (200 loại) được phát hiện đến nay. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng Mycoplasma đều bị viêm phổi. Chúng hoạt động với cơ chế tự bám vào các mô phổi rồi sinh sôi nhanh chóng khiến phổi bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy hiện tượng viêm phổi Mycoplasma đều ở dạng nhẹ.

Nắng nóng kéo dài phòng viêm phổi cấp - Ảnh 2.

Hình ảnh viêm phổi.

Viêm phổi cấp có nguyên nhân do lao

Vi khuẩn gây lao mycobacterium tuberculosis cũng được xem là nguyên nhân gây viêm phổi, dù giữa bệnh lao và nó chưa xác định được mối liên hệ rõ ràng. Vi khuẩn mycobacterium tuberculosis rất dễ lây lan và có thể gây nên tình trạng ho ra máu ở người bị nhiễm.

Những người có nguy cơ cao mắc viêm phổi cấp

Về cơ bản, viêm phổi cấp là một căn bệnh mà bất cứ người nào cũng có thể mắc, nhất là các đối tượng cao tuổi, trẻ em vì hệ thống miễn dịch lúc này đã suy yếu hoặc chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, những người có các yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đó là:

+ Sinh sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm vì khói bụi.

+ Thường xuyên hút thuốc lá.

+ Có tiền sử mắc phải các bệnh về đường hô hấp như COPD, hen suyễn, viêm phế quản,…

+ Tiền sử mắc các bệnh lý về tim, mạch, tiểu đường, xơ gan,…

+ Người mắc HIV hoặc bị ung thư.

Biểu hiện viêm phổi cấp

Bệnh viêm phổi cấp có thể bao gồm những triệu chứng sau:

+ Người bệnh ho có chất dịch nhầy (đờm).

+ Biểu hiện sốt (38° C – 38.5° C. Trường hợp nặng sốt đến 39° C – 40° C).

+ Có cảm giác ớn lạnh hay đổ mồ hôi sau lưng và vùng gáy.

+ Xuất hiện khó thở dù chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng hay đang ngồi nghỉ.

+ Tức ngực khó chịu khi thở hoặc ho.

Ngoài ra người bệnh có cảm giác cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon, buồn nôn và nôn mửa, đầu đau nhức.

Trường hợp nặng gây khó thở, tím tái đầu chi cần được cấp cứu kịp thời.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa bệnh mùa nắng cũng như viêm phổi nên hạn chế ra ngoài từ 10-16h, nhất là người già và trẻ nhỏ. Những người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, mùa nóng việc sử dụng điều hòa hợp lý là cần thiết để tránh viêm đường hô hấp, viêm phổi cấp. Nên để máy lạnh ở nhiệt độ 27-28 độ C, giữ môi trường thông thoáng.

Cần tránh ăn uống đồ lạnh cũng là một biện pháp phòng viêm đường hô hấp cũng như viêm phổi. Cần bổ sung nhiều nước, hoa quả, bổ sung điện giải nhiều hơn bình thường nhất là khi ra ngoài, hoạt động thể lực mùa nắng nóng.

Hoạt động thể thao là cần thiết tuy nhiên mùa nắng nóng trẻ nhỏ, người cao tuổi nên hoạt động thể thao vào buổi sáng sớm hoặc tối mát...thậm chí những ngày nền nhiệt dự báo khoảng 39-40 độ, người cao tuổi có các bệnh nền không nên ra ngoài tập thể dục mà có thể tham khảo các bài tập tại nhà qua mạng internet.

Để phòng tránh bệnh viêm phổi cấp cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, giữ gìn không khí trong lành. Tránh xa nơi ô nhiễm, khói thuốc lá. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu..., nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc/suckhoedoisong.vn - 13/07/2023

 https://suckhoedoisong.vn/nang-nong-keo-dai-phong-viem-phoi-cap-169230712160416054.htm