PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, để phòng chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, không nên dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học.
Thông tin về những điểm mới trong quy chế xét tuyển đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 được giữ cơ bản như năm 2022, tuy nhiên có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tạo thuận lợi, cũng như tăng cơ hội cho thí sinh nhiều hơn.
Theo đó, từ năm 2023, áp dụng điểm ưu tiên về khu vực và đối tượng. Đối với điểm ưu tiên về khu vực, thí sinh sẽ được áp dụng trong 2 năm liên tiếp: năm thi tốt nghiệp THPT và năm tiếp theo. Với điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực, xét trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ, nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các em sẽ giảm dần theo tuyến tính. Như vậy, những thí sinh đã đạt 30 điểm sẽ không cần cộng điểm ưu tiên.
Về cách đăng ký nguyện vọng, năm 2023, thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần đăng ký vào trường, ngành mà mình mong muốn.
"Các em lưu ý phải cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu, kết quả mà các em sử dụng để xét tuyển. Lúc đó hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất.
Tuy các em không phải lựa chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển nhưng phải nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học, của ngành học mà mình mong muốn trúng tuyển vào. Bởi các trường phải có xét tuyển bằng tổ hợp, phương thức mà thí sinh có dữ liệu kết quả thì mới đăng ký vào. Nếu em mong muốn vào trường, nhưng đơn vị đó không xét tuyển trên dữ liệu em đang có thì cũng là lựa chọn sai lầm.
Tôi lưu ý rằng, nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chúng ta chưa trúng tuyển chính thức", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường duy nhất. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.
Đặc biệt, vì hệ thống cho thí sinh được đăng ký, đăng ký bổ sung, điều chỉnh thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần, do đó, thí sinh vẫn có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng cho tới thời gian cuối cùng là trước 17h ngày 30/7. Tuy nhiên, khi điều chỉnh xong, thí sinh cần nhớ phải “kết thúc quy trình”, sử dụng nút “hoàn thành” (submit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi mà các em vừa thao tác. Nếu không, thí sinh sẽ lỡ đi cơ hội khi có sự thay đổi quyết định.
Đưa ra lời khuyên về cách đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, vì được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần nên thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất để tránh rủi ro. Thay vào đó, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và chia đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, không nên dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 22/7/2023
https://vov.vn/xa-hoi/chien-thuat-dang-ky-xet-tuyen-dh-khong-don-tat-ca-nv-vao-truong-top-tren-post1034227.vov