PGS-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục-Đào tạo, cho biết có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, nếu có rủi ro thí sinh sẽ không có hội khác nữa.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2023. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2023 đã diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 22/7, với sự có mặt của nhiều chuyên gia tuyển sinh hàng đầu và trên 300 gian tư vấn của các trường.
Ở phiên tư vấn chung của ngày hội, các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia đến từ một số cơ sở đào tạo có uy tín đã lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thí sinh, phụ huynh những thông tin cần thiết; giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu các ngành, trường, phương thức xét tuyển cũng như các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển hiệu quả.
Trong khuôn khổ ngày hội, với trên 300 gian tư vấn của các đại học, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thí sinh cũng được tiếp cận thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về quy định tuyển sinh, quy định nhập học, các thông tin về học phí, học bổng, môi trường học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và cơ hội việc làm.
Chia sẻ tại ngày hội, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023).
Trong số đó, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đưa ra lời khuyên thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Nếu có rủi ro cho thí sinh, hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Đồng thời, thí sinh lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý theo thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.
Trước băn khoăn của một phụ huynh cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không khống chế số lượng nguyện vọng sẽ gây nên tình trạng phức tạp trong xét tuyển và một thí sinh có thể "chiếm chỗ" của nhiều thí sinh khác; đồng thời, các trường đang sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết Luật Giáo dục Đại học cho các trường tự chủ trong việc xây dựng các phương thức xét tuyển. Việc có sử dụng phương thức xét tuyển sớm hay không là tùy theo nhu cầu của thí sinh. Nếu không muốn, thí sinh vẫn có thể sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi.
Gian tư vấn của đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày hội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đối với việc không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh, đây là cách giúp tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ không gây khó khăn cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả các nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ. Theo đó, cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất trong danh mục nguyện vọng của thí sinh. Vì thế, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng không hề "chiếm chỗ" của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng.
Trả lời câu hỏi của phụ huynh về việc thí sinh đăng ký nguyện vọng bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có cần đăng ký trên hệ thống của các trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh chỉ đăng ký duy nhất trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Thí sinh tích vào mục xét tuyển với dữ liệu điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Đối với vấn đề bảo lưu kết quả sau khi được thông báo trúng tuyển, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết trường hợp muốn bảo lưu, trước hết, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Nếu không xác nhận, thí sinh được xem như đã từ chối nhập học, trường sẽ tuyển thí sinh khác. Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học một học kỳ chẳng hạn. Sau đó, trình bày với trường lý do cần tạm ngưng và trường có thể cho phép thí sinh bảo lưu kết quả.
Một số trường hợp thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự hoặc có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn, cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt. Vì thế, việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được, nhưng cần đúng quy định chứ không phải ai cũng bảo lưu kết quả để đi học thử nơi khác./.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+) – 22/7/2023
https://www.vietnamplus.vn/72000-thi-sinh-chi-dang-ky-1-nguyen-vong-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2023/878683.vnp