Cập nhật: 03/08/2023 08:01:00
Xem cỡ chữ

Vẫn cần những cơ chế ưu đãi đủ mạnh mới khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu vực miền Bắc, nơi đang thiếu hụt nguồn cung điện lớn, nhất là trong cao điểm mùa khô.   

Ý kiến của Bộ Công Thương tại Báo cáo về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7 vừa qua đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ này cho rằng, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn ĐMTMN (khoảng 2.600MW) cho cả kỳ Quy hoạch (năm 2021-2030) được đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.

Từ thực tế những vướng mắc trong việc phát triển ĐMTMN thời gian qua cho thấy, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, vẫn cần những cơ chế ưu đãi đủ mạnh mới khuyến khích phát triển ĐMTMN ở khu vực miền Bắc - nơi đang thiếu hụt nguồn cung điện lớn trong các thời gian cao điểm mùa khô.   

Dien mat troi mai nha thieu co che kho khuyen khich phat trien hinh anh 1

Nếu không có cơ chế phù hợp, khó có nhà dân miền Bắc nào đầu tư vào ĐMTMN.

Theo phân tích của một số chuyên gia, Báo cáo của Bộ Công Thương đưa ra số lượng công suất nguồn điện cần tăng thêm từ ĐMTMN cho cả giai đoạn 2021-2030 chỉ khoảng 2.600MW là con số quá nhỏ. Báo cáo chưa hợp lý và không thuyết phục là ở chỗ, nguồn điện tại chỗ đang rất cần ở khu vực miền Bắc - nơi đã chứng kiến cảnh thiếu điện trong cao điểm mùa nắng tháng 5, tháng 6 vừa qua. Việc cần ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMTMN của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc cũng đã được khẳng định tại Quy hoạch điện VIII (Quyết định số 500/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023.

Vì vậy rất cần có cơ chế khuyến khích để phát triển ĐMTMN nếu muốn phát triển đúng nơi cần, đúng chỗ thiếu. Điều mà chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đã nhiều lần chỉ ra rằng, nếu không có cơ chế phù hợp thì sẽ khó có nhà dân miền Bắc nào đầu tư vào ĐMTMN.

“Năng lượng mặt trời có thể cứu được miền Bắc, vào giữa trưa có thể huy động, nhưng sẽ không có lãi. DN không thể lắp đặt cả 1 hệ thống chỉ sử dụng 10 – 20 ngày trong 1 năm nên rõ ràng là không thể khả thi. Trong khi thực tế ở miền Bắc, lắp điện mặt trời cũng khó vì nắng không dồi dào như miền Nam”, ông Đình nêu điểm bất hợp lý.

Một điểm không hợp lý cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra, đó là Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các toà nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu. Nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp và không quy định cứng tổng công suất phát triển đến năm 2030 là 2.600MW như Báo cáo đưa ra.

Dien mat troi mai nha thieu co che kho khuyen khich phat trien hinh anh 2

Mỗi hộ dân nếu tiêu thụ điện với hoá đơn trên 1 triệu đồng/tháng, ít nhất cũng cần đầu tư  hệ thống ĐMTMN tối thiểu từ 3-5kWp phải mất khoảng 5-7 năm mới hoàn vốn.

Theo các chuyên gia, Bộ Công Thương cần nghiên cứu ngay những góp ý của các Bộ, ngành về việc mở rộng phạm vi lắp đặt cũng như mở rộng đối tượng được lắp đặt ĐMTMN theo hình thức tự sản, tự tiêu cũng như ý kiến của Bộ Tư pháp trong việc cần hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN… để tránh lãng phí các cơ hội có thể thu hút được nguồn điện từ NLTT tại các khu vực có thể khai thác với quy mô lớn hơn, giảm áp lực đầu tư các nguồn điện hoá thạch.

Trên thực tế, điện mặt trời mái nhà đã được phát triển khá mạnh thời điểm trước năm 2020. Tuy nhiên, một số chính sách trước đây do thiếu chặt chẽ đã bị lợi dụng, làm méo mó mô hình ĐMTMN. Thế nhưng, với nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ (dao động trong khoảng 16 - 20 triệu đồng/kWp và với mỗi hộ dân nếu tiêu thụ điện với hoá đơn trên 1 triệu đồng/tháng thì ít nhất cũng cần đầu tư một hệ thống ĐMTMN tối thiểu từ 3-5kWp phải mất khoảng 5-7 năm mới hoàn vốn),

Theo các chuyên gia, nếu không tiếp tục cơ chế bán điện lên lưới, cũng cần tính tới cơ chế khuyến khích đầu tư và tiêu thụ trong một khu vực gồm các gia đình lân cận (làng, xã, khu phố) để giảm áp lực về vốn đấu tư cũng như tránh lãng phí nguồn điện sạch đã sản xuất ra những lại bỏ đi, không được sử dụng.   

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, nếu cho phép trong phạm vi, quy mô các hộ gia đình có thể bán điện theo thỏa thuận được kiểm soát (áp theo mức giá bán lẻ), họ cũng có thể ký hợp đồng và bán điện kèm theo khai báo thuế.

“Các hộ có điện tự sản, tự tiêu cũng phải đăng ký với tư cách là hộ kinh doanh nhưng có thể được miễn giảm Giấy phép hoạt động điện lực, hoặc là được giảm nhẹ trong các quy trình họ mới thấy là thực sự có lợi ích trong câu chuyện đầu tư các hệ thống ĐMTMN”, ông Hà Đăng Sơn đề cập.

Dien mat troi mai nha thieu co che kho khuyen khich phat trien hinh anh 3

Thực tế cho thấy vẫn cần những cơ chế ưu đãi đủ mạnh mới khuyến khích phát triển ĐMTMN.

Thực tế thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn điện có nguyên nhân của việc tất cả các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào việc sử dụng điện lưới quốc gia. Trong khi nhiều khu vực có thể sử dụng một phần nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư tại chỗ. Chuyên gia năng lượng Phạm Hoàng Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan trọng vẫn là cần có cơ chế để triển nguồn điện tại chỗ, cụ thể là ĐMTMN đi kèm với các quy định rõ ràng theo hướng hỗ trợ, khuyến khích có lợi cho các bên để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

“Chúng ta nên có quy định đối với những trung tâm tiêu thụ điện lớn phải đảm bảo tự đáp ứng được 30%-40% nhu cầu điện được sản xuất tại chỗ, để giảm gánh nặng của lưới điện quốc gia. Nhà nước cũng phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích và thậm chí có thể ra những quy định hết sức tốt đối với cơ sở sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn này”, ông Lương nêu.

Theo nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý cần xác định đúng về mô hình ĐMTMN theo hình thức tự sản - tự tiêu, qua đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để vừa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phục vụ nhu cầu điện đang tăng cao lại vừa phát triển được nguồn điện sạch, đồng hành với sự phát triển của đất nước.

Theo Nguyên Linh/VOV1 - 03/08/2023

https://vov.vn/kinh-te/dien-mat-troi-mai-nha-thieu-co-che-kho-khuyen-khich-phat-trien-post1036785.vov