Đến nay, bệnh ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, kịp thời và nhờ những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đáng mừng là chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới.
Trong hai ngày 25-26/8, tại thành phố Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế lần thứ 11. Đây là một trong những hội nghị chuyên ngành thuộc chương trình hoạt động hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam. Hội nghị thu hút hơn 600 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 30 chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế đến từ các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ, Hội Ung thư vú Đông Nam Á và các quốc gia Hoa Kỳ, Đức, Canada, Chile, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore…
Các đại biểu dự hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế
Bệnh ung thư vẫn là nhóm bệnh lý không lây nhiễm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Gánh nặng ung thư tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính, mỗi năm hơn 182 ngàn ca mắc mới và hơn 122.600 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Hiện tại, hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư. Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cho biết: “Đến nay, bệnh ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, kịp thời và nhờ những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đáng mừng là chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới".
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp phát biểu tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế
Tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế năm nay, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với các tổ chức liên quan thảo luận những thuận lợi và thách thức, hướng tiếp cận mới trong kiểm soát ung thư vú. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi khu vực Đông Nam Á là 41,2/100.000 phụ nữ; Tỷ lệ tử vong là 15/100.000 phụ nữ. Con số này ở Việt Nam lần lượt là 34,2/100.000 nữ giới và tử vong là 13,8/100.000 phụ nữ. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Ở nước ta, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%. Thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi cho thấy, tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: “Các nhà nghiên cứu cần thảo luận về quyền lợi, thách thức và hướng tiếp cận mới trong kiểm soát ung thư vú cũng như chăm sóc sau ung thư, hỗ trợ tâm lí xã hội cho người bệnh ung thư vú khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều mô hình từ các tổ chức và các quốc gia Đông Nam Á sẽ được chia sẻ với mục tiêu chăm sóc toàn diện cho người bệnh ung thư’.
Theo Lê Hiếu/VOV- Miền Trung – 25/8/2023
https://vov.vn/xa-hoi/hon-350000-nguoi-viet-nam-dang-song-voi-benh-ung-thu-post1041708.vov