Thí sinh có thể từ đỗ thành trượt qua một "thủ thuật" điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. Việc không công khai chỉ tiêu rất dễ xảy ra thao túng và xê dịch số lượng đầu vào khiến điểm chuẩn thay đổi.
Trong đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa phân định rõ ràng về chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức trong một ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT (Ảnh: T.L).
Nhiều trường không công khai chi tiết chỉ tiêu
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, không riêng Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh chung chung, mập mờ, không theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dẫn đến những bất cập như sự việc thủ khoa trượt nguyện vọng 1 mà trên thực tế, không ít cơ sở đào tạo cũng trong tình trạng tương tự.
Các trường đưa ra con số chung chung, thậm chí gộp những phương thức xét tuyển không tương đương vào với nhau giống như cách Đại học Bách Khoa đã gộp phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào chung với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy.
Đáng nói, có tình huống không thể tìm thấy đề án tuyển sinh của đơn vị một cách dễ dàng.
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Thủy Lợi, phóng viên chỉ tiếp cận được bản tóm tắt đề án tuyển sinh năm 2023 chứ không thể tìm kiếm được văn bản đề án chi tiết.
Bản tóm tắt ghi chung chung: Chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng, phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) không thấp hơn 50% tổng chỉ tiêu. Chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT không cao hơn 50% tổng chỉ tiêu.
Tương tự, Trường Đại học Nông lâm TPHCM chỉ cho biết sẽ tuyển sinh 5.005 chỉ tiêu tại cơ sở chính tại TPHCM, Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Ninh Thuận. Trong đó, dự kiến xét tuyển khoảng 30-40% học bạ, khoảng 50-60% bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, khoảng 10-15% bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố chỉ tiêu không theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT (Ảnh: H.N).
Học viện Tài chính dùng 5 phương thức xét tuyển nhưng gộp chỉ tiêu ở một số phương thức. Đề án nêu dành 60% cho xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi, 40% cho các phương thức còn lại gồm: xét tuyển điểm thi THPT, xét kết hợp điểm thi THPT với chứng chỉ tiếng Anh, điểm thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Không chỉ đưa ra tỷ lệ chung chung khiến việc xét tuyển trở nên mập mờ đã đành, có trường còn khẳng định quyền tự chủ tuyển sinh của mình bằng việc thông báo trước sẽ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức đến 20-30% mà không đi kèm điều kiện nào.
Đề án tuyển sinh năm 2023 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ghi: "Chỉ tiêu xét tuyển của học viện được xác định theo các phương thức như sau: Phương thức xét tuyển 1 và 2 là 50%, phương thức xét tuyển 3 và 4 là 50%. Học viện sẽ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức đến 20-30% để đáp ứng nhu cầu học tập của người học đối với từng ngành đào tạo".
Quay lại với Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị này cho hay xét tuyển tài năng 15-20%; Phương thức xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT, đánh giá tư duy) 85-90%.
Điều khiến dư luận lo ngại là lấy gì đảm bảo sự "co giãn" chỉ tiêu này sẽ khách quan, không vụ lợi?
Khi nhà trường được quyền điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức lên đến 90% thì khó kiểm soát được trường hợp có người lợi dụng chính sách "co giãn" chỉ tiêu để điều chỉnh giúp cho nhóm thí sinh này đỗ, thí sinh khác trượt.
Ở phía khác của bức tranh tuyển sinh, dù nằm trong nhóm top đầu cả nước và được đánh giá là có sức cạnh tranh không kém gì các ngành học của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Luật Hà Nội... đều đưa ra "quy tắc xét tuyển" chi tiết tới từng phương thức.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM công bố rõ ràng chỉ tiêu tuyển sinh ở từng phương thức (Nguồn: UEH).
Tương tự, trong đề án tuyển sinh của các đơn vị có sức cạnh tranh cao ở phía Nam như Trường Đại học Kinh tế TPHCM; các trường thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ thông tin… chỉ tiêu đều được công bố rõ ràng.
Nhờ những con số công khai, minh bạch này, thí sinh có thể phân tích được cơ hội của mình khi đặt nguyện vọng vào đại học.
Điều chỉnh chỉ tiêu, từ đỗ thành trượt
Ông Nguyễn Vinh San - thành viên của Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam 2023 (VNUR-Viet Nam's University Rankings) - cho biết qua 3 năm theo dõi việc thực hiện công bố đề án tuyển sinh và quy chế ba công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của các đại học, ông thấy nhiều bất cập.
Theo thống kê của ông San, hiện có khoảng 50-70 cơ sở giáo dục "chây ỳ" trong việc công khai đề án tuyển sinh theo quy định, hoặc công khai một cách đối phó.
Một số cách thức đối phó được ông San chỉ ra như: Không công khai đúng thời hạn, giấu bản công khai vào một ngóc ngách nào đó rất sâu trên website nhà trường, chỉ công khai dưới dạng thông tin tuyển sinh tóm tắt từ đề án, đề án thiếu thông tin, công khai theo đường link nhưng chặn quyền truy cập…
"Đến bây giờ, công tác tuyển sinh 2023 cơ bản hoàn tất đợt 1 nhưng nhiều cơ sở giáo dục không công khai bất cứ đề án nào. Chưa kể, từ chuyện công khai đến quá trình thực hiện cũng khó kiểm soát", ông San thẳng thắn nêu.
Ngoài ra, theo ông San, các phương thức tuyển sinh hiện nay còn rối rắm, phức tạp. Ngay cả khi ông là có kinh nghiệm làm tuyển sinh hàng chục năm cũng không dễ dàng để hiểu hết được các tổ hợp, cách thức xét tuyển của nhiều trường.
"Để "chắc ăn" về mặt số lượng, các trường có nhiều cách để lập lờ chỉ tiêu tuyển sinh. Không phải họ không biết mà cố tình lập lờ để dễ dàng điều phối chỉ tiêu", ông San cho hay.
Học sinh trải qua những kỳ thi căng thẳng tại TPHCM. Ảnh chụp ngày 6/6 ở Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM (Ảnh minh họa: Nam Anh).
Ông San thừa nhận việc không rõ ràng trong chỉ tiêu rất dễ điều chỉnh khi xét duyệt. Các trường chỉ cần tăng hay giảm nhẹ chỉ tiêu là thí sinh từ đỗ thành trượt, từ trượt thành đỗ.
Việc này vô hình trung dẫn đến bất công cho một nhóm sinh viên nào đó khi nhà trường xê dịch chỉ tiêu từ phương án này qua phương án khác.
Phân tích sâu dưới góc độ tuyển sinh, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay việc không công bố chỉ tiêu chi tiết từng ngành, từng phương thức, tổ hợp gây ra sự không minh bạch; có thể dẫn đến những tiêu cực trong tuyển sinh với những ngành "hot".
Đồng thời, khi một số trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho một hoặc một số phương thức nào khác sẽ dẫn đến sự không công bằng trong xét tuyển giữa các nhóm thí sinh.
"Phổ biến hiện nay là trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương án xét học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ, dành rất ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này cao vống lên bất thường", GS Đình Đức phân tích.
Trong trường hợp này, điểm chuẩn THPT cao không phản ánh đầy đủ chất lượng của cả kỳ tuyển sinh.
"Chỉ tiêu rất ít, điểm chuẩn cao bất thường đã gây thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo, nơi điều kiện còn có khó khăn và chỉ có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả THPT. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "thủ khoa" theo tổ hợp thi THPT vẫn trượt đại học như vừa qua là một ví dụ", GS Đức thẳng thắn bày tỏ.
Rất cần "công nghệ VAR" của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - từ đây có thể thấy việc công khai, minh bạch chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển là cần thiết để giám sát xã hội. Nếu không tuyển đủ, trường có thể công bố xét tuyển ở các đợt bổ sung.
Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh việc tuyển sinh là tự chủ của các trường, song rất cần vai trò thẩm định, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT với đề án tuyển sinh.
Ông cảm thấy tiếc cho 2 thí sinh thủ khoa bởi những trường hợp này hội đồng tuyển sinh có thể đưa ra phương án phù hợp hơn.
Thí sinh tại Hà Nội tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Mạnh Quân)
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vinh San đánh giá những năm gần đây, cơ chế giám sát và kiểm tra của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đã siết chặt hơn.
Nếu như trước kia rất hiếm khi thấy trường nào bị phạt về tuyển sinh thì hiện nay, một năm có hàng chục cơ sở giáo dục bị "sờ gáy". Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo công khai, công bằng và bình đẳng; không để xảy ra hiện tượng làm sai cũng chẳng sao.
"Cái khó là hiện nay thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nên có thể xảy ra tỷ lệ ảo. Do đó, để chắc chắn tuyển đủ, cơ sở giáo dục sẽ có những chiêu thức về chỉ tiêu. Công bằng mà nói, thí sinh là người bị ảnh hưởng và việc giám sát chặt chẽ của Bộ GD&ĐT sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh", ông San cho hay.
Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi: Đâu là "công nghệ VAR" của Bộ GD&ĐT để đảm bảo rằng mỗi phán quyết của các trường trên "sân cỏ" đại học là chính xác, công bằng, không sai sót, không nhầm lẫn, không gây mất công bằng cho thí sinh? Và nếu xảy ra sai sót thì làm sao "check VAR" để bác bỏ một phán quyết sai lầm?
"Công nghệ VAR" trong tuyển sinh đại học cần được áp dụng ngay từ đề án tuyển sinh. Các trường có quyền đưa ra đề án riêng (hay nói nôm na là luật chơi riêng), nhưng đã là "luật chơi" phải chi tiết, rõ ràng, minh bạch, công bằng, khách quan.
Bất kỳ ai tham gia một sân chơi đều phải tuân thủ luật chơi. Nhưng người chơi có quyền biết rõ luật. Nếu luật chơi lắt léo, mập mờ thì chính chủ nhân cuộc chơi đã không sòng phẳng, công minh ngay từ khi chưa bắt đầu.
Bộ GD&ĐT đã quy định nhưng trường không thực hiện
Ngoài các quy định được công bố rất cụ thể Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT liên tục hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị thực hiện quy chế và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở có trách nhiệm xây dựng phương án để không xảy ra tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển do cơ sở đào tạo đã tuyển đủ. Các cơ sở phải chịu trách nhiệm trước xã hội về tuyển sinh và đào tạo.
Rõ ràng, tình trạng này đã được Bộ GD&ĐT cảnh báo song phía trường đại học chưa có phương án phù hợp để xảy ra tình trạng "thủ khoa cũng trượt nguyện vọng 1".
Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy thẳng thắn thừa nhận một trong những hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2023 là còn có những đơn vị nảy sinh quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp.
"Nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống", Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Theo Huyên Nguyễn/dantri.com.vn – 30/8/2023
https://dantri.com.vn/giao-duc/khong-cong-khai-chi-tieu-thi-sinh-do-thanh-truot-trong-mot-not-nhac-20230830152304027.htm