Cập nhật: 12/09/2023 09:15:00
Xem cỡ chữ

Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng, việc cộng thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá vào giá bán lẻ điện bình quân có thể khiến giá điện tăng sốc.

Băn khoăn đưa lỗ sản xuất kinh doanh vào giá điện

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định. Theo tờ trình, công thức tính giá điện bình quân vẫn bổ sung các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Các số liệu này được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán. EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương cho hay việc bổ sung các dữ liệu trên vào công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân để phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn cạnh tranh và giá điện gắn với giá thành sản xuất, như góp ý của Thanh tra Chính phủ. Bộ cũng khẳng định việc cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh trong tính giá điện dựa trên quy định pháp luật, thực tế và ý kiến các bộ ngành.

Nhiều băn khoăn khi đưa lỗ do sản xuất kinh doanh vào giá điện - Ảnh 2.

Việc cộng thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá hàng chục nghìn tỉ đồng vào giá bán lẻ điện bình quân có thể khiến giá điện tăng sốc.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho hay, việc đưa khoản chênh lệch tỉ giá này vào giá bán lẻ điện là phù hợp, bởi với khoản lỗ sản xuất kinh doanh, thực chất do giá điện đầu ra chưa thay đổi kịp với diễn biến giá đầu vào. Trong khi giá điện đang được xác định dựa vào giá bán lẻ bình quân do Chính phủ quy định trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý...) nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư.

Tuy nhiên trách nhiệm của ngành điện là phải dự báo xu hướng giá sát với thực tế để quản lý. Năm 2022, EVN hứng khoản lỗ 26.000 tỉ đồng do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng. Do vậy, cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ. 

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu thực hiện theo đúng Quyết định 24/2017, ngành điện đã tiến một bước tới thị trường điện, giá sát thị trường hơn. Quyết đinh 24/2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhưng vừa rồi, việc thực thi quyết định này chưa được tuân thủ đúng và trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất cập, việc thay đổi cơ chế điều chỉnh là hợp lý.

"Tôi cho rằng, ngành điện và các đơn vị liên quan cần thực hiện đúng các quy định hiện hành của Quyết định 24. Không thể vì ngành điện dự báo không sát thực tế khiến chi phí nguyên liệu đầu vào cho phát điện tăng thì lại yêu cầu sửa giá bán lẻ điện bình quân. Điều này dẫn đến việc không nhất quán, trở thành tiền lệ xấu cứ lỗ là đề nghị sửa", ông Lâm cho hay.

Ông Lâm cũng cho biết, việc cộng thêm các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá hàng chục nghìn tỉ đồng vào giá bán lẻ điện bình quân có thể khiến giá tăng sốc. Cần bổ sung quy định về tỉ lệ, lộ trình phân bổ phù hợp, đồng thời cần làm rõ công thức tính giá điện mới, minh bạch và phân tách cụ thể chi phí của từng khâu tạo nên giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Minh bạch đầu vào để có giá điện hợp lý

PGS. TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) bình luận, sửa cơ chế giá bán lẻ điện bình quân theo hướng có tăng và giảm với biên độ cụ thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường điện. Tuy vậy với đặc điểm điều kiện tự nhiên Việt Nam, giá điện sẽ có chênh lệch lớn giữa mùa khô và mưa. Vậy khi nguồn điện dồi dào, dư thừa, ngành điện có điều chỉnh giảm giá và ngược lại khi khan hiếm điện vào mùa khô thì có tăng hay không?

Việc điều chỉnh giá điện vừa qua không diễn ra theo định kỳ hay tuân thủ quy định tại Quyết định 24/2017. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2012 khi khâu phát điện chưa tổ chức theo mô hình cạnh tranh, các lần điều chỉnh giá được thực hiện đều đặn, có năm điều chỉnh hai lần. Từ 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, tức là tính chất thị trường trong giao dịch ở phần nguồn điện tăng lên, nhưng tần suất điều chỉnh giá lại ít hơn. Chẳng hạn, từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.

"Theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển, kể cả cuộc sống của những người làm trong ngành điện. Vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi. Tôi nghĩ rằng, cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công Thương không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 bậc) cho khách hàng (gọi là T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (gọi là T1)", ông nói.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn. Số lượng từng bậc sử dụng bao nhiêu điện rất dễ để tính toán. Nếu như kiểm toán thì sẽ biết bậc 1, bậc 2,… sẽ dùng hết bao nhiêu điện, nhân với giá điện sẽ tính ngay ra chênh lệch của 5 hoặc 6 bậc ấy với tổng thu nhập của 1 giá điện bình quân nếu không bằng nhau thì đó sẽ là chênh lệch. Nếu tổng doanh thu theo bậc từ khách hàng lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân thì mới chứng minh được giá điện theo 6 bậc là hợp lý.

Theo Tô Hội/suckhoedoisong.vn - 12/09/2023

 https://suckhoedoisong.vn/gia-dien-se-tang-soc-neu-cong-khoan-lo-do-san-xuat-kinh-doanh-cua-evn-169230911152246357.htm