Trong dự án phim mới, Việt Anh đã được "lột xác" hoàn toàn với hình tượng người chiến sĩ biên phòng. Trải lòng về cuộc sống riêng, Việt Anh cho biết, anh luôn ao ước có một gia đình ổn định, một tổ ấm đúng nghĩa.
“Không tham vọng phim nào của mình cũng thành công”
Kể từ vai diễn Cao Thanh Lâm trong “Chạy án” phát sóng năm 2006, Việt Anh nổi lên như một gương mặt vàng trong “làng tù tội” khi đóng nhiều bộ phim truyền hình sau đó như "Người phán xử", "Sinh tử", "Hồ sơ cá sấu", “Hành trình công lý”. Việt Anh hài hước chia sẻ, cứ mỗi lần đăng hình vai diễn mới lên mạng xã hội, 90% bình luận sẽ hỏi rằng: “Lần này anh có đi tù nữa không?”. Chính vì thế, nam diễn viên cũng muốn thoát khỏi dạng vai này để chuyển hướng sang tuyến nhân vật “tử tế”.
Trong dự án phim mới mang tên “Cuộc chiến không giới tuyến” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, Việt Anh đã được "lột xác" hoàn toàn với hình tượng người chiến sĩ biên phòng.
Việt Anh chia sẻ, anh thành công với những vai phản diện trong suốt gần 20 năm theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, nhưng đóng phản diện mãi cũng nhàm. Khán giả cũng không còn bất ngờ mỗi khi thấy Việt Anh đóng phản diện. Đóng phim với tuyến nhân vật chính diện, Việt Anh gặp nhiều áp lực.
Anh chia sẻ: “Khi tôi nhận vai này, nói thật là một sự thiệt thòi. Tuyến nhân vật người tốt việc tốt bao giờ cũng kém hấp dẫn, nó là một sân chơi mình ít được thể hiện nhiều hơn là tuyến phản diện. Nhân vật sĩ quan quân đội chắc chắn màu sắc sẽ khô khan, không thể nào đa dạng hay kiểu nhiều màu sắc như một chú tắc kè hoa được. Nhưng nếu ví bộ phim như một bức tranh tổng thể nhiều màu sắc, mình cứ chọn gam màu rực rỡ thì ai sẽ làm gam màu đơn sắc? Việt Anh không ngại khi đảm nhận trọng trách đó.
Vai này khó ở chỗ với hình tượng một người sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, điều thách thức đầu tiên là tác phong, phong thái, các khẩu lệnh, điều lệnh, là những điều người diễn viên không gặp trong đời sống hàng ngày.
Nếu đóng các vai trong phim về tình yêu, tình cảm gia đình, diễn viên có thể thoải mái sáng tạo, xây dựng nhân vật của mình. Nhưng với tuyến nhân vật này, phải tuân theo khuôn mẫu, bất di bất dịch. Sẽ có phần nào đấy khô khan, nhưng không có nghĩa không có gì để làm. Người diễn viên phải sáng tạo nhiều hơn bình thường, đó là thách thức”.
Trước những hoài nghi của khán giả về việc có hợp vai chính diện hay không, Việt Anh chia sẻ: “Dù nhân vật tử tế của mình chưa thực sự xuất sắc, nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự chuyển hướng đúng lúc. Tôi muốn đem đến cho khán giả một cái gì đó tươi mới, khác biệt hơn. Tôi làm nghề đến nay cũng đã gần 20 năm rồi. Trong 20 năm đó chủ yếu đóng phản diện nên khi vào vai người tốt, tôi nghĩ khán giả cũng khó có thể đón nhận trong ngày 1, ngày 2 được. Tôi muốn khán giả dần dần sẽ thay câu hỏi tôi ‘có đi tù hay không’ bằng ‘nhân vật này có số phận sẽ thế nào, màu sắc mới lạ ra sao’… Để làm được điều này cần có quá trình, thời gian. Tôi không tham vọng phim nào của mình cũng thành công. Tôi chấp nhận bất cứ một giai đoạn giao thời nào cũng sẽ có những cái trồi sụt, không thể nào đang làm phản diện cuốn hút chuyển sang làm người tốt cũng ấn tượng được”.
Vào vai Trung - Đồn trưởng đồn biên phòng Mường Luông với cuộc đời có nhiều bi kịch, là nỗi buồn chung của nhiều chiến sĩ biên phòng như xa nhà, không được gần vợ con, gia đình, Việt Anh cho biết, anh có sự đồng cảm với nhân vật.
“Tôi trao đổi với đạo diễn đưa những gì gần gũi nhất của những người lính biên phòng vào trong bộ phim, để khán giả không chỉ thấy sự khô khan của quân đội mà sâu thẳm trong con người họ vẫn là những người chồng, người cha có những nỗi niềm khắc khoải. Bên trong lớp áo sĩ quan là những trăn trở, những nỗi niềm, thậm chí là những thiệt thòi. Đó là cái tôi rất thích, cũng có những nét tương đồng với cuộc sống của tôi hiện tại. Tôi cũng có những mất mát, những thiệt thòi mà đôi khi không nói được với ai. Đó là cơ hội tôi đưa đời sống của mình vào nhân vật”, Việt Anh tâm sự.
“Tôi luôn ao ước có một tổ ấm đúng nghĩa”
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất gặt hái được nhiều thành công thì Việt Anh lại kém may mắn trong cuộc sống riêng tư khi trải qua 2 lần đổ vỡ hôn nhân. Trải lòng về cuộc sống riêng, Việt Anh nói: “Cuộc sống luôn có 2 mặt. Khi được cái này bạn sẽ mất cái kia và ngược lại. Đối với tôi cũng vậy. Có thể tôi là người may mắn khi thành công trong sự nghiệp. Bù lại, mất mát của tôi cũng giống nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, đó là không may mắn khi không có được cuộc sống gia đình trọn vẹn, một tổ ấm mà mình thực sự mong muốn. Tôi nghĩ đó là sự đánh đổi, chấp nhận khi mình dành quá nhiều thời gian cho một thứ bên ngoài, sẽ không thể nào chu toàn cho một cuộc sống gia đình. Gia đình phải là vun vén, gia đình phải là hy sinh. Nếu như không dành đủ cho gia đình sự hy sinh, nhẫn nhịn, vun đắp thì sẽ phải đối diện với mất mát.
Đó cũng là điều tôi luôn đau đáu khi làm những nhân vật có gia đình đổ vỡ. Đó là cơ hội để mình có thể được sống trong một vai diễn, được đưa những trăn trở, cảm xúc của mình vào trong nhân vật. Đó là cái tôi luôn mong muốn được làm”.
Chia sẻ về định kiến cứ nghệ sĩ thì thường hay đổ vỡ hôn nhân, Việt Anh cho biết: “Có thể tôi may mắn được công chúng quan tâm, bất cứ biến động gì trong cuộc sống đều được mọi người cập nhật. Nhưng ngoài xã hội, tỷ lệ ly hôn lần 2, lần 3 vô cùng nhiều chứ không chỉ dừng lại ở nghệ sĩ. Đừng quy chụp họ là những người lăng nhăng mà hãy nhìn công tâm, khách quan. Đổ vỡ không phải là câu chuyện của một người hay lăng nhăng hay không mà nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khách quan. Mọi người khoan phán xét mà hãy mở lòng.
Không ai trong chúng ta muốn có gì đó dang dở, nhất là gia đình. Tôi luôn ao ước có một gia đình ổn định, một tổ ấm đúng nghĩa. Đôi khi cái mình muốn với thực tế lại là 2 câu chuyện khác nhau. Có những người may mắn có cuộc sống gia đình êm ấm, mặc dù không phải làm gì nhiều. Có những người làm rất nhiều cho gia đình của họ, nhưng đổi lại họ chẳng được cái gì cả. Gia đình của họ vẫn đổ vỡ.
Bản thân tôi là người của công chúng nên rất dễ đem đến sự ồn ào khi đổ vỡ hôn nhân. Tôi rất mệt mỏi, sợ hãi khi nghĩ đến những điều đó. Tôi nghĩ mình dừng lại ở con số 2 để tránh những ồn ào trong tương lai, sống một mình để bớt ảnh hưởng đến người khác. Tôi không còn đủ sức để chịu đựng thêm lần nào nữa”.
"Cuộc chiến không giới tuyến" là bộ phim truyền hình do Bộ Quốc phòng và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024).
Ngoài Việt Anh, phim còn quy tụ nhiều diễn viên được khán giả yêu mến như NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Ngọc Tản, diễn viên Tú Oanh, Thu Quỳnh, Tô Dũng, Hà Việt Dũng, Việt Bắc, Phan Thắng…
Lấy bối cảnh vùng biên giới, nhạy cảm và nhiều biến động, "Cuộc chiến không giới tuyến" có cơ hội giới thiệu khung cảnh mênh mông, hùng vĩ miền biên viễn, nơi đây, cũng là nơi đồng bào thiểu số sinh sống qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của họ: nếp ăn ở sinh hoạt, những lễ hội, niềm tin tôn giáo... Nhưng đồng thời, ở đây cũng tồn tại nhiều lề thói cũ kỹ, những hủ tục lạc hậu mà những người làm công tác biên phòng không ngừng trăn trở để làm sao nâng cao nhận thức của người dân.
Theo Hà Phương/VOV.VN - 14/09/2023
https://vov.vn/giai-tri/nghe-si/viet-anh-lot-xac-voi-hinh-tuong-moi-ao-uoc-mot-to-am-dung-nghia-post1045551.vov